Chuyên án CB223p “vạch trần” thủ đoạn mới về mua bán người

0
57
Chuyên án CB223p “vạch trần” thủ đoạn mới về mua bán người

Chuyên án CB223p “vạch trần” thủ đoạn mới về mua bán người
Thừa ủy quyền của Bộ Tư lệnh BĐBP, Thượng tá Nguyễn Văn Diện, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Cao Bằng (thứ 3, từ trái sang) trao Bằng khen của Bộ Tư lệnh BĐBP cho các cá nhân có thành tích trong đấu tranh Chuyên án CB223p. Ảnh: Trúc Hà

Đầu giờ chiều ngày 12/2/2023, chiếc ô tô biển kiểm soát 47A-383.12 đi vào khu vực biên giới thôn Tềnh Quốc, xã Cần Nông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Khi tới ngã ba đường rẽ vào mốc 614 thì chiếc ô tô dừng lại, một nam giới và một nữ giới bước xuống xe, bế theo một trẻ sơ sinh đi bộ ra hướng cột mốc 614. Tổ công tác của Đồn Biên phòng Cần Yên, Công an xã Cần Nông đã phát hiện, yêu cầu kiểm tra hành chính.

Người phụ nữ bế trên tay trẻ sơ sinh khai nhận tên Lê Thị Mỹ Lệ (sinh năm 1999, trú tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) và người đàn ông tên Doãn Hiểu Long (sinh năm 1986, quốc tịch Trung Quốc, trú tại thành phố Hắc Long Giang, Trung Quốc).

Tiếp tục kiểm tra ô tô, tổ công tác phát hiện còn lái xe tên Phạm Thành Sinh (sinh năm 1986, trú tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) và một người phụ nữ tên Phùng Lệ (sinh năm 1986, quốc tịch Trung Quốc, trú tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Những người này khai nhận đã đi từ thành phố Hồ Chí Minh lên khu vực biên giới tỉnh Cao Bằng với mục đích vượt biên sang Trung Quốc.

Tại Đồn Biên phòng Cần Yên, Mỹ Lệ khai rằng, đứa trẻ sơ sinh là con của mình với chồng Doãn Hiểu Long và cả hai đang trên đường trở về Trung Quốc. Thế nhưng, bằng con mắt nghiệp vụ và nhận định từ lời khai các đối tượng có phần mâu thuẫn, nhất là khi nhìn Mỹ Lệ không hề giống người mới sinh, các trinh sát nhận thấy dấu hiệu của việc mua bán trẻ em thay vì chỉ là xuất cảnh trái phép đơn thuần.

Căn cứ các diễn biến, kết quả khai thác các đối tượng và tài liệu thu thập được, Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng xác lập Chuyên án mang bí số CB223p để truy xét, đấu tranh, triệt phá đường dây mua bán người dưới 16 tuổi. Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Cao Bằng đã tăng cường lực lượng hỗ trợ Đồn Biên phòng Cần Yên. Đại tá Bùi Đức Trung, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Cao Bằng, Trưởng ban chuyên án trực tiếp chỉ đạo phá án.

Biết không thể chối cãi, các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội và câu chuyện được làm sáng tỏ. Trước đây, Mỹ Lệ làm thuê ở Trung Quốc nên quen Phùng Lệ. Ngày 6/2/2023, Mỹ Lệ nhận được điện thoại của Phùng Lệ rủ xuống thành phố Hồ Chí Minh. Ngày hôm sau, cả hai gặp nhau thì Phùng Lệ đặt vấn đề thuê Mỹ Lệ làm phiên dịch và dẫn đường đưa một trẻ sơ sinh sang Trung Quốc.

Cả hai thống nhất, nếu bị lực lượng chức năng kiểm tra, Mỹ Lệ sẽ nhận là mẹ của đứa trẻ và chồng là Doãn Hiểu Long (trước đó đã nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài). Mỹ Lệ đồng ý và thuê thêm Lê Thị Thanh (quê Lâm Đồng) và Lý Thị Anh Thư (quê Trà Vinh) đi cùng để giúp sức. Ngày 9/2, cả nhóm cùng nhau đi nhận một trẻ sơ sinh từ H.T.N.N (sinh năm 1991, trú tại huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh – được xác định là mẹ cháu bé).

Sau khi có được cháu bé, tất cả di chuyển về Bình Dương rồi Mỹ Lệ nhờ anh rể của mình là Phạm Thành Sinh thuê xe và một người khác tên Ngô Quang Phương cùng lái xe đi Cao Bằng. Tuy nhiên, tới Bắc Kạn thì Phương, Thanh, Thư ở lại, Mỹ Lệ, Phùng Lệ, Hiểu Long và Thành Sinh tiếp tục đưa cháu bé di chuyển lên Cao Bằng và bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Phùng Lệ đã chuyển cho Mỹ Lệ 49,6 triệu đồng và hứa sau khi đưa cháu bé vượt biên thành công sẽ trả thêm nhưng chưa thống nhất mức cụ thể. Mỹ Lệ cũng đã chuyển cho Phạm Thành Sinh 30 triệu đồng để thuê xe, thuê Phương chở từ Bình Dương đi Cao Bằng.

Cơ quan điều tra đã làm việc với người phụ nữ tên H.T.N.N là mẹ cháu bé sơ sinh. Chị N cho biết, trước đây được môi giới sang Trung Quốc và mang thai hộ cho một người đàn ông Trung Quốc. Tuy nhiên, khi gần đến ngày sinh thì bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giữ và trao trả về Việt Nam. Sau khi sinh, gia đình người đàn ông đã liên hệ và cho người sang nhận con mang về Trung Quốc.

Như vậy, lực lượng đánh án đã làm rõ về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi của các đối tượng, trong đó xác định Phùng Lệ vừa là người tổ chức, vừa là người thực hiện; Lê Thị Mỹ Lệ, Doãn Hiểu Long, Phạm Thành Sinh, Lý Thị Anh Thư, Lê Thị Thanh là người giúp sức. Riêng lái xe Ngô Quang Phương không biết được hoạt động của các đối tượng nên cơ quan chức năng không tiến hành truy cứu.

Ngày 13/2/2023, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cần Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Mua bán người dưới 16 tuổi” theo Điều 151 Bộ luật Hình sự. Căn cứ vào chứng cứ, tài liệu thu thập được, chỉ một ngày sau đó, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cần Yên đã ra Lệnh bắt khẩn cấp đối với Lý Thị Anh Thư và Lê Thị Thanh.

Đến ngày 18/2/2023, Đồn Biên phòng Cần Yên đã bàn giao 6 đối tượng, hồ sơ cùng tang vật vụ án cho Phòng PC02, Công an tỉnh Cao Bằng để tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Theo Đại tá Bùi Đức Trung, những yêu cầu Ban chuyên án đặt ra đã hoàn thành, kịp thời truy xét, bóc gỡ toàn bộ đường dây, tổ chức mua bán người; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan Viện Kiểm sát, Công an trong suốt quá trình điều tra, thực hiện các hoạt động tố tụng. Quá trình thực hiện thẩm quyền điều tra của BĐBP đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, đúng chức năng, thẩm quyền. Mặc dù phải tạm giữ nhiều đối tượng, cả nam và nữ, nhưng Đồn Biên phòng Cần Yên đã tổ chức canh gác đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Đối với cháu bé sơ sinh, đơn vị đã bàn giao cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng chăm sóc, nuôi dưỡng. Những việc làm trên đã khẳng được năng lực, bản lĩnh và tinh thần kiên quyết đấu tranh với tội phạm của lực lượng phòng, chống tội phạm BĐBP Cao Bằng.

Trúc Hà

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here