Cà Mau thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách dân tộc

0
63
Cà Mau thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách dân tộc

Biên phòng – Thời gian qua, các chương trình, chính sách dân tộc đã từng bước giúp đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Cà Mau phát huy được tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế; thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập.

Cà Mau thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách dân tộc
Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, ông Hữu Khuôl đầu tư mô hình nuôi dê sinh sản, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Phương Nghi

Đời sống đồng bào các DTTS đang khởi sắc từng ngày

Chúng tôi về ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, là ấp có số lượng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhiều nhất tỉnh Cà Mau (69,3%), điều cảm nhận đầu tiên là diện mạo ấp Khmer đang khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và đổi thay thấy rõ.

Ông Hữu Thảo, Bí thư Chi bộ ấp Ðường Ðào cho biết: “Những năm qua, đồng bào dân tộc Khmer ấp Ðường Ðào luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Những nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đều được quan tâm đầu tư xây dựng đường, cầu giao thông, lưới điện, trạm xá, trường học, hỗ trợ vốn sản xuất…”.

“Bên cạnh đó, địa phương huy động mọi nguồn lực của xã hội hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Đặc biệt, đã có nhiều hộ tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nếu như năm 2013, thu nhập bình quân đạt 20,5 triệu đồng/năm, nay tăng lên gần 50 triệu đồng/năm; hộ nghèo người Khmer từ 38%, nay giảm còn 4,25% theo chuẩn nghèo đa chiều; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc” – ông Thảo chia sẻ.

Gia đình ông Hữu Khuôl, ở ấp Đường Đào, trước đây là hộ nghèo, có 5 công đất sản xuất nên thu nhập không cao. Ðể giúp hộ ông Khuôl có điều kiện phát triển kinh tế, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thới Bình hỗ trợ vay 40 triệu đồng. Có tiền, ông Khuôl đầu tư mua 10 con dê về nuôi. Ðến nay, gia đình đã nhân giống được 26 con. Kinh tế dần ổn định, ông Khuôl đã làm đơn xin thoát nghèo.

Ông Hữu Khuôl bày tỏ: “Với số tiền vay, gia đình đầu tư mua dê giống, cũng như cải tạo đất, mua thêm tôm, cua nuôi. Nhờ vậy, cuộc sống đỡ vất vả hơn và các con cũng yên tâm học hành. Tôi rất cảm ơn Ngân hàng Chính sách xã hội đã quan tâm hỗ trợ kịp thời cho tôi”.

Tân Phú (huyện Thới Bình) là xã có 262 hộ dân tộc sinh sống, tập trung ở 2 ấp Ðầu Nai và Tapasa 1. Ông Trần Văn Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết, so với trước đây, cuộc sống của đồng bào Khmer có bước phát triển, những khu vực không chuyển dịch sản xuất thì trồng rẫy, những nơi đã chuyển dịch thì trồng lúa kết hợp nuôi tôm, cua. “Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp đồng bào Khmer sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế nâng cao đời sống. Nhiều hộ thoát nghèo bền vững, có cuộc sống ổn định, góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương” – ông Trần Văn Bảo chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Hoàng Nhỏ, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau cho biết: Thời gian vừa qua, Cà Mau đã triển khai nhiều chương trình, chính sách an sinh xã hội, nhiều dự án, mô hình phát huy tính hiệu quả đã góp phần làm thay đổi bộ mặt xã hội của tỉnh. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững năm 2022, vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh gồm vốn đầu tư phát triển 36,876 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 25,268 tỷ đồng. Cà Mau đối ứng ngân sách tỉnh 10%, tương ứng 6,228 tỷ đồng. Tỉnh chủ động, phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn vốn của chương trình, bố trí và phân bổ vốn đầu tư cho các dự án được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch và kịp thời.

“Đến cuối năm 2022, Cà Mau còn 7.407 hộ nghèo (chiếm 2,41%), trong đó, hộ nghèo DTTS là 1.042 hộ (chiếm 8,66% trong tổng số hộ đồng bào DTTS); hộ cận nghèo còn 5.710 hộ (chiếm 1,86%), trong đó, hộ cận nghèo DTTS còn 551 hộ (chiếm 4,57% trong tổng số hộ đồng bào DTTS toàn tỉnh)” – ông Nhỏ nói.

Tập trung nguồn lực phát triển vùng đồng bào DTTS

Năm 2023, Cà Mau phấn đấu giảm hộ nghèo đa chiều tối thiểu 0,8%. Để thực hiện đạt mục tiêu này, Cà Mau tập trung thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững như tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo; dạy nghề, tạo việc làm; hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, y tế, nhà ở; trợ giúp pháp lý cho người nghèo; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo… với tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 là trên 89,5 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 75,4 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 7,6 tỷ đồng và huy động hợp pháp khác trên 6,5 tỷ đồng.


Bà Thạch Sà Phươl, ở ấp Tapasa 1, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau thực hiện mô hình trồng hoa màu mang lại nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Phương Nghi

Bên cạnh đó, Cà Mau triển khai các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025) và Kế hoạch số 154/KH-UBND của UBND tỉnh Cà Mau, từ nay đến hết năm 2025, tỉnh sẽ triển khai thực hiện 10 dự án, với tổng kinh phí thực hiện trên 374,6 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói: “Theo đó, một số mục tiêu cụ thể trọng tâm theo kế hoạch đề ra đến năm 2025 là phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm trên 2%/năm; ít nhất 40% số xã (2 xã) và 51,2% ấp, khóm (22 ấp, khóm) ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; tiếp tục duy trì 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 80% ấp, khóm vùng DTTS có đường giao thông đến trung tâm được cứng hóa theo chuẩn nông thôn mới; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS; đầu tư xây dựng bổ sung 4 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng (Salatel) cho vùng đồng bào DTTS…”.

Nhờ sự chăm lo của các cấp ủy Đảng và chính quyền và nỗ lực, quyết tâm thoát nghèo của người dân, đời sống vùng đồng bào DTTS ở Cà Mau không ngừng được cải thiện, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Cà Mau.

Phương Nghi

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here