Trải lòng của phóng viên viết về lĩnh vực Lao động

0
64
Trải lòng của phóng viên viết về lĩnh vực Lao động

(Dân sinh) – Với đặc thù của nghề báo, đặc biệt là những phóng viên chuyên viết về lĩnh vực Lao động – Việc làm, họ là những người luôn “dấn thân” lăn xả vượt qua mọi vất vả và khó khăn,…để có những bài viết mang tính thời sự, phản ánh cuộc sống và bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt nam (21/6/1925 – 21/6/2023), những phóng viên chuyên trách mảng Lao động – Việc làm có những phút trải lòng về công việc của mình.

Phóng viên Minh Tuấn (Báo Lao động Thủ đô): Đi nhiều, viết nhiều để trưởng thành hơn

Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành báo chí tại Khoa Báo chí – Truyền thông (Đại học Khoa học Huế – Đại học Huế), giữa năm 2018, Minh Tuấn đã vào TP. Hồ Chí Minh để nộp hồ sơ phỏng vấn làm phóng viên của báo Lao động Thủ đô, cũng từ đó đến nay, chàng phóng viên trẻ năng động luôn có mặt mọi điểm “nóng” để tác nghiệp. Đặc biệt là những lúc công nhân đình công, những vụ tai nạn lao động hay những sự kiện nóng liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm…

“Tôi vốn đam mê làm báo từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vì vậy, khi bước chân vào nghề này, tôi không ngần ngại xông pha, bất kể ngày hay đêm, ngày mưa hay ngày nắng, chỉ cần có sự việc là tôi sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Nhiều năm lăn lộn với nghề cũng không ít những nỗi niềm chất chứa…”, Minh Tuấn bộc bạch. 

Phóng viên Minh Tuấn thức xuyên đêm để theo chân người lao động làm thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp.

Phóng viên Minh Tuấn thức xuyên đêm để theo chân người lao động làm thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp.

Là phóng viên chuyên trách mảng Lao động – Việc làm, tôi được tiếp xúc, gặp gỡ rất nhiều người, từ công nhân các nhà máy, chị lao công ngoài đường… cho đến những người giữ vị trí cao trong xã hội.

Mỗi người lao động ở những lĩnh vực việc làm khác nhau đều mang những màu sắc cuộc sống khác nhau, lắng nghe và thấu hiểu để viết nên những câu chuyện thực tế về mảng này đã cho tôi nhiều trải nghiệm đáng nhớ trong sự nghiệp cầm bút. 

Tôi dần học được cách chia sẻ, cảm thông và biết dừng lại trước nỗi đau của nhân vật chứ không chỉ đơn thuần là “săn” tin nhanh, tin nóng. Và, những bài báo đã trở thành “cầu nối” giữa người dân với chính quyền để những vụ việc tưởng chừng như bế tắc được giải quyết ổn thoả. 

Là một phóng viên trẻ được theo đúng nghề mà mình đam mê thì mình luôn sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thử thách, nguy hiểm. Và nhiều khi chính tôi cũng không hiểu vì sao mình lại yêu nó đến như vậy? Tôi thích những cuộc hành trình, đi và viết! Trong thời gian tới tôi sẽ đi nhiều hơn, “dấn thân” hơn viết nhiều hơn để ngày càng hoàn thiện bản thân và cho ra những tác phẩm báo chí hay, mang hơi thở cuộc sống phục vụ độc giả. 

Phóng viên Uyên Phương (Báo Tiền Phong): Cần có sự đồng cảm với công nhân 

Là một phóng viên với hơn 5 năm theo lĩnh vực Lao động – Việc làm, phóng viên Uyên Phương chia sẻ, trước đây chị chuyên viết về mảng Kinh tế, nhưng theo yêu cầu của công việc, chị bén duyên sang lĩnh vực lao động, việc làm.

“Mới đầu vừa vất vả vừa thiếu kiến thức về các chính sách của lĩnh vực này, tuy nhiên thời điểm đó mình đang ở nhà thuê, xung quanh là các phòng trọ công nhân nên cũng thấu hiểu có sự đồng cảm, từ đó mình đã học hỏi kinh nghiệm của các anh, chị đi trước và nghiên cứu về Luật Lao động, các chính sách liên quan rồi viết bài hỗ trợ những công nhân, người lao động khi họ khó khăn hay bị doanh nghiệp nợ lương, nợ BHXH… 

Phóng viên Uyên Phương (áo xanh đen) thay mặt độc giả trao tặng những phần quà thiết thực đến người lao động khó khăn vì dịch COVID-19.

Phóng viên Uyên Phương (áo xanh đen) thay mặt độc giả trao tặng những phần quà thiết thực đến người lao động khó khăn vì dịch COVID-19.

Các bài viết của Uyên Phương luôn phản ánh đậm nét đời sống thường nhật nhật của công nhân, những câu chuyện vui buồn của người lao động khi tha phương đến TP. Hồ Chí Minh làm việc.  

Trải lòng với chúng tôi, Uyên Phương nói trong niềm vui, theo viết lĩnh vực này thì phóng viên luôn được các doanh nghiệp, chính quyền địa phương hỗ trợ thông tin, giới thiệu tiếp cận nhân vật; các sở ban ngành cũng sẵn sàng chia sẻ những giải pháp, các việc đã làm được cho công nhân, người lao động.

Làm báo được tiếp xúc với nhiều người, ở những môi trường khác nhau. Đó là những người lái xe ôm, là những người công nhân miệt mài, vất vả với trăm ngàn mối lo trong những khu chế xuất, khu công nghiệp… 

“Điều mình nhớ nhất là trong đợt dịch COVID-19 đã tìm được nhiều công nhân mất việc đang tá túc tại một khu trọ miễn phí ở quận 12. Sau bài viết đăng trên báo lập tức được nhiều bạn đọc hỗ trợ quần áo, thực phẩm, sữa và cả tiền bạc để mình trực tiếp trao cho họ. Sau đó, các cấp chính quyền của Thành phố cũng vào cuộc tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm mới giúp họ ổn định cuộc sống. Không vui sao được khi nhìn thấy những nụ cười, những ánh mắt hạnh phúc của những cảnh đời bất hạnh đã được giúp đỡ thông qua bài viết của mình.”, Uyên Phương kể. 

Bên cạnh những thuận lợi và niềm vui thì Uyên Phương cũng trải lòng về những khó khăn khi theo dõi và viết về lĩnh vực Lao động – Việc làm như: Nhiều công nhân, lao động ngại nói nhiều về cuộc sống vì sợ ảnh hưởng đến công ty, gia đình… là khi nhiều nhân vật hay nhưng không cho chụp ảnh, không cho đăng thông tin lên báo nên đôi khi phải bỏ đề tài. Nhiều khi phóng viên phải tranh thủ buổi chiều tối đến các khu nhà trọ để gặp, phỏng vấn nhân vật nhưng lại dễ bị hiểu nhầm là người xấu. 

“Mình cho rằng đã theo mảng này thì cần có sự đồng cảm với công nhân, người lao động. Muốn vậy phải đến tận nơi để gặp gỡ, trò chuyện, thậm chí ở cùng họ để thấu cảm được cuộc sống cũng như tâm tư của người công nhân; hạn chế việc gọi điện phỏng vấn qua điện thoại…”, Uyên Phương chia sẻ. 

Phóng viên Đăng Hải (Tạp chí Lao động Xã hội): Nhà báo phải đấu tranh bảo vệ người yếu thế 

Là một nhà báo có thâm niên trong lĩnh vực Lao động – Việc làm, phóng viên Đăng Hải cho biết, đến nay anh đã có hơn 15 năm theo dõi và viết về lĩnh vực Lao động – Việc làm. Trước khi đến với nghề báo, tôi đã phải trải qua rất nhiều khó khăn… 

Lĩnh vực Lao động – Việc làm là một mảng khá vất vả, nhưng cũng nhiều niềm vui. Mỗi khi nhận được thông tin người lao động bị ép tăng ca liên tục nhưng không trả đủ quyền lợi, họ đấu tranh đòi quyền lợi thì bị chủ cho nghỉ việc,.. chúng tôi đều có mặt ngay để phản ánh kịp thời. Đồng thời, phối hợp cùng với các cơ quan chức năng đấu tranh bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người lao động.  

Phóng viên Đăng Hải hơn 15 năm theo dõi và viết về lĩnh vực Lao động - Việc làm.

Phóng viên Đăng Hải hơn 15 năm theo dõi và viết về lĩnh vực Lao động – Việc làm.

Một kỷ niệm đáng nhớ nhất là các đây khoảng 10 năm, có vụ công nhân tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư của Đài Loan với quy mô khoảng 300 công nhân, trú đóng tại địa bàn quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh) ngừng tập thể việc do phải tăng ca liên tục.

Khi thông tin vào giữa buổi trưa, không kịp ăn cơm tôi và một đồng nghiệp nữa phóng xe máy đến ngay hiện trường, nơi cổng nhà máy có công nhân ngừng việc tập thể để lấy thông tin viết bài.

Chúng tôi đã liên hệ với cơ quan chức năng và thông báo để cùng phối hợp bảo vệ quyền lại ích cho người lao động. Từ sự cương quyết đấu tranh thông qua các bài viết trên báo và sự vào cuộc của cơ quan chức năng, thông qua cô phiên dịch của ban giám đốc công ty này, giám đốc người Đài Loan phải có mặt, gặp mặt công nhân và cơ quan chức năng, sau 4 ngày “lẩn tránh”. Qua đàm phán giữa các bên, một số quyền lợi người lao động đòi hỏi được cam kết thực hiện.

Phóng viên viết về Lao động – Việc Làm được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều  người. Những bài báo chính thống của phóng viên sẽ chuyển tải được những thông tin của Đảng,  Nhà nước và xã hội đến với người dân nhanh và chính xác nhất.

Đặc biệt, khi những bài báo viết về mảng Lao động – Việc làm góp phần bảo vệ được quyền lợi ích hợp pháp của người lao động, đây là món quà tinh thần giúp những nhà báo chân chính vượt qua hết khó khăn, tiếp tục gắn bó với nghề phục vụ độc giả. 

Đặc biệt với mỗi phóng viên phụ trách lĩnh vực này còn có cơ hội học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn và phải tự biến mình thành “chuyên gia” trong lĩnh vực Lao động. Từ đó, tiếp tục bám sát thực tiễn đời sống người lao động để phát hiện những bất cập trong việc thực hiện chính sách đóng góp ý kiến từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật, hướng đến mục tiêu vừa bảo vệ quyền lợi lâu dài vừa bảo đảm an sinh xã hội.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here