Tìm việc khó chưa từng có
Nhiều tháng nay, Nguyễn Đức Long, 26 tuổi, tốt nghiệp đại học chuyên ngành marketing ở TPHCM rơi vào cảnh “xin việc khó chưa từng có” mà cũng rất nhiều người đang gặp phải.
Ra trường cách đây gần 4 năm, đúng thời điểm dịch Covid-19, Long ít nhiều có sự chuẩn bị tâm lý tìm việc sẽ khó khăn. Những năm qua, Long trầy trật không ổn định nhưng cũng chưa thời điểm nào cậu có trải nghiệm tìm việc lại cực nhọc như năm nay.
Khó kiếm việc làm theo ngành nghề được đào tạo, nhiều cử nhân cất bằng đi làm lao động phổ thông (Ảnh minh họa: H.N).
Long đã gửi hàng trăm CV đi khắp nơi trong thời gian ngắn nhưng không có hồi đáp, nhiều nơi còn không đọc hồ sơ. Long lo hồ sơ của mình gửi sai địa chỉ nhưng hỏi ra thì cậu được biết, rất nhiều bạn trẻ đi tìm việc chung hoàn cảnh.
Nam cử nhân tiết lộ, cậu đã tính phương án chạy xe ôm công nghệ sống qua ngày. Ý định của Long bị nhiều anh em theo nghề này cản lại khi mà họ đang lay lắt vì xe công nghệ giờ cũng “ế khách chưa từng có”.
Một ông anh 29 tuổi ,tốt nghiệp đại học cũng chạy xe công nghệ khuyên Long tìm đường khác mưu sinh. Chạy xe ôm kiếm sống qua ngày không phát triển bản thân mà giờ mục tiêu kiếm sống qua ngày cũng không nổi.
Giam mình ở phòng trọ nhiều tháng liền, suốt ngày đi ra đi vào lại túng tiền, Long căng thẳng tột cùng. Cảm giác thừa thãi, bản thân vô dụng, trống rỗng bủa vây…
Mỗi lần thấy cuộc gọi của bố mẹ ở quê hỏi han tình hình công việc là Long suy sụp, hoảng loạn đến mức giờ không dám nghe điện thoại. “Nếu không tìm được việc tôi sẽ phát điên lên mất” là tâm trạng của Long những ngày tháng mệt nhoài kiếm việc.
Cuối cùng, nhờ một người anh giới thiệu, đầu tháng 5 vừa rồi, Long vào làm việc tại phòng kho của một công ty sản xuất bao bì có trụ sở ở Long An với mức lương 8,4 triệu đồng, bao bữa trưa.
Long cho biết, vị trí công việc nhân viên kho mà cậu đang làm, công ty đăng tuyển chỉ yêu cầu ứng viên tốt nghiệp từ THCS, có sức khỏe, thật thà. Thế nên, khi xin vào đây làm, Long đã “ém” luôn việc mình tốt nghiệp đại học để tránh áp lực cho bản thân hay những nghi kỵ.
Rất nhiều doanh nghiệp đăng tin tuyển lao động phổ thông, “đụng” phải cử nhân (Ảnh: H.N).
Quanh Long, không ít người quen, bạn bè tốt nghiệp đại học cũng đang đi làm công việc phổ thông như cậu. Đó là những người anh, người bạn tốt nghiệp đại học rồi chạy xe ôm, giao hàng; hay người chị trong khu trọ đi ra từ trường đại học có tiếng mà nay tìm việc khó quá, đành nhận việc bán hàng ở siêu thị chỉ yêu cầu tốt nghiệp THPT.
“Giờ tôi đã hiểu vì sao các trường đại học báo cáo tỷ lệ toàn 95-100% sinh viên ra trường có việc làm rồi. “Muốn ăn thì phải lăn”, ai rồi cũng phải đi làm để kiếm sống thôi, sinh viên cứ nhìn vào con số này thì dễ ảo tưởng lắm”, chàng cử nhân chua chát.
Tuyển lao động tay chân, đụng cả… cử nhân bằng giỏi
Chị Nguyễn Hồng Mỹ, giám đốc nhân sự công ty chuyên sản xuất và thi công công trình nhôm kính ở quận 10, TPHCM cho hay, chưa khi nào chị tuyển dụng lao động phổ thông mà lại nhận được nhiều hồ sơ ứng viên tốt nghiệp đại học như lúc này.
Trừ một vài vị trí ở bộ phận kinh doanh, văn phòng, công ty chị phần lớn chỉ tuyển nhân công làm thợ với mức lương 10-18 triệu đồng. Bản tin đăng tuyển nói rõ chỉ yêu cầu học hết lớp 12 hoặc trình độ nghề nhưng gần đây, họ nhận được nhiều hồ sơ tìm việc từ cử nhân đại học.
Tại ngày hội việc làm ở TPHCM, nhiều sinh viên ra trường cho biết đang rất khó khăn để tìm kiếm việc làm (Ảnh: H.N).
Khi tuyển vào, trừ những người có kinh nghiệm tay nghề thì tất cả ứng viên vào đều phải tham gia đào tạo nhanh 2-3 tháng, không kể tốt nghiệp lớp 12 hay cao học.
“Có nhiều bạn khi đến gặp trò chuyện, phỏng vấn chúng tôi mới biết là ứng viên đã tốt nghiệp đại học vì trong hồ sơ, các bạn không đề cập”, chị Mỹ nói.
Ở góc độ tuyển dụng, người này khẳng định chị sẽ loại ứng viên có bằng đại học nộp hồ sơ vào công ty ở vị trí lao động phổ thông, trừ công việc mang tính thời vụ, ngắn hạn.
Chị Mỹ lý giải, nhiều cử nhân vì khó tìm việc đúng ngành nghề nên kiếm việc tay chân tạm thời kiếm sống qua ngày chứ không xác định nghiêm túc với công việc. Điều này dẫn đến hiệu quả công việc không cao, tuyển vào lại nghỉ rất tốn thời gian, công sức cho nhà tuyển dụng.
Tại buổi trao đổi về việc làm mới đây, TS Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing cho hay, có tình trạng cử nhân ra trường đi làm công việc lao động phổ thông, tay chân như chạy grab, giúp việc nhà… nhưng đó chỉ là số ít.
Nhu cầu tuyển dụng giảm, thị phần việc làm dành cho lao động trình độ đại học cũng trở nên khiêm tốn (Ảnh minh họa: H.N).
Ông Đạo đánh giá hiện nay giới trẻ rất chủ động trong công việc, nhiều bạn ra trường không đi làm ngay mà có thể chọn học cao hơn hoặc bồi dưỡng thêm các kỹ năng. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những trường hợp sinh viên ra trường thụ động chờ bố mẹ giới thiệu việc làm hoặc chờ việc tuyển dụng.
Theo các chuyên gia nhân sự, ngoài vấn đề cử nhân ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, cần nhìn nhận thời điểm này tìm việc rất khó khăn, thị phần việc làm cho nhóm có bằng cấp từ đại học trở lên còn rất khiêm tốn. Sinh viên hàng năm ra trường đông, chưa kể thêm nhóm cử nhân mất việc làm, thất nghiệp, trong khi nhu cầu tuyển dụng có hạn.
Tại thị trường TPHCM, nhu cầu nhân lực đối với trình độ đại học trở lên chỉ chiếm khoảng 20% tổng nhu cầu, còn lại là nhu cầu dành cho trình độ nghề, phổ thông.
Các báo cáo về tuyển dụng đều cho thấy những tháng đầu năm 2023, nhu cầu tuyển dụng ở hầu hết các lĩnh vực ngành nghề như du lịch, công nghệ thông tin, dệt may da giày, marketing, hành chính pháp lý… đều giảm mạnh.
Học sinh trong kỳ thi giành suất đại học theo đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM (Ảnh: L.L).
Khó tìm việc làm theo ngành nghề được đào tạo, cử nhân “giành” việc của lao động phổ thông mưu sinh là điều dễ hiểu vì ai rồi cũng phải lao động, cũng phải làm việc. Ở góc độ cá nhân, cử nhân đi làm phụ hồ, ô sin hay bất cứ công việc tay chân nào là điều bình thường.
Nhưng sau đó là bức tranh về tình hình kinh tế, về thị trường việc làm, về đào tạo nguồn nhân lực đang chênh với nhu cầu của doanh nghiệp và về sự lãng phí yếu tố con người…