Biên phòng – Những năm gần đây, trên một số trang tiếng Việt như VOA, RFA, RFI thường xuất hiện nhiều bài viết phản ánh không đúng về hoạt động báo chí ở Việt Nam. Cùng với đó, một số quốc gia, tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam đã diễn trò, trao giải thưởng nhân quyền, giải thưởng báo chí cho những đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đây thực sự là hành vi đáng lên án bởi đã xuyên tạc, bôi nhọ quyền tự do báo chí ở Việt Nam.
Nhà báo được tạo điều kiện tác nghiệp thuận lợi tại các sự kiện lớn, nhỏ của đất nước. Ảnh: Bích Nguyên
Năm 2022, cả nước có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình, với 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí. Tính đến đầu năm 2023, Việt Nam có hơn 70 triệu người dùng Internet, đứng thứ 12 thế giới. Nhìn tổng thể, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ; vừa tăng loại hình, tăng số lượng cơ quan báo chí, tăng số đầu báo, tạp chí, ấn phẩm, tăng số lượng phát hành, phạm vi phủ sóng và tăng số lượng nhà báo.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người cho rằng, đó là hiện thực sinh động phản ánh sự đa dạng, phong phú của nền báo chí Việt Nam. “Dân số của Việt Nam là hơn 90 triệu người, trong đó, có khoảng 70 triệu người dân sử dụng mạng điện thoại di động, có truy cập Internet. Tốc độ phát triển sử dụng mạng Internet của Việt Nam hiện đang ở tốp đầu trong khu vực. Vì vậy, chuyện đưa các thông tin Việt Nam chúng ta không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, rồi ngăn cản mạng Internet, là hoàn toàn không chính xác” – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tường Duy Kiên nói.
Thực tế sinh động như vậy. Nhưng các tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam lại luôn có góc nhìn sai lệch. Mới đây, Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) đã công bố cái gọi là báo cáo về “Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2022”. Theo bảng xếp hạng này, tự do báo chí Việt Nam ở vị trí 174/180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, khi thực hiện khảo sát, thu thập thông tin để đưa ra chỉ số này, họ lại không đến Việt Nam. Họ tự phong cho mình quyền được phán xét, áp đặt tiêu chuẩn, định kiến của mình lên một quốc gia khác có chủ quyền. Ông Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: “Những báo cáo của tổ chức này là áp đặt, phiến diện, không chính xác và không có kiểm chứng. Đó cũng là những báo cáo không có giá trị pháp lý. Cách làm của họ là tự làm. Trong quá trình làm báo cáo, họ không phối hợp với mình, không có trao đổi với mình. Cho nên thông tin của họ đánh giá, theo tôi, là nó không đúng thực tế, thiếu sự cân bằng và thiếu sự am hiểu bối cảnh văn hóa Việt Nam. Do đó, có nhiều điểm đánh giá của họ trong báo cáo là không đúng”.
Ông Lê Văn Nghiêm cũng cho rằng, việc quản lý báo chí, định hướng báo chí, kiểm soát thông tin trên báo chí là việc làm cần thiết. Và quốc gia nào cũng thực hiện điều đó. Cho nên, khi phát hiện những thông tin sai sự thật, thì cơ quan quản lý Nhà nước áp dụng các hình thức xử phạt là việc làm bình thường. Đó không phải là ngăn cấm, trấn áp báo chí như một số đối tượng đang xuyên tạc. Ông Nghiêm phân tích: “Có những cơ quan báo chí ở Việt Nam, kể cả cơ quan báo đài của cơ quan chính quyền Nhà nước Việt Nam khi đưa thông tin sai sự thật, vẫn bị xử phạt bình thường. Thậm chí, xử phạt rất nặng, đây không phải là đàn áp báo chí, mà là xử phạt vì báo chí đưa thông tin sai sự thật. Anh nói đúng thì sẽ không ai dám phạt. Ở Việt Nam, hoạt động báo chí rất công khai, có thể tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phê phán những người vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản Nhà nước, nhưng mà báo chí phải nói có minh chứng, có bằng chứng cụ thể. Báo chí mà nói đúng thì không ai, không cơ quan nào dám phạt”.
Hiện, nước ta có hàng ngàn ấn phẩm báo chí đưa thông tin đa dạng tới đông đảo các tầng lớp trong xã hội. Ảnh: Bích Nguyên
Thực tế cũng cho thấy, trong khi vu cáo Việt Nam đàn áp, cấm đoán báo chí thì ngay tại những quốc gia được mệnh danh là dân chủ vẫn đầy rẫy những hành vi, hoạt động đàn áp báo chí. Mới đây, nhà báo Mỹ Pi-tơ Ác-nét, là phóng viên của CNN, vừa cho ra mắt cuốn tự truyện “Từ chiến trường khốc liệt”. Phần lớn nội dung của cuốn sách viết về những trải nghiệm của ông khi làm phóng viên tại chiến trường Việt Nam. Ngay sau đó, ông bị sa thải vì đưa thông tin không phù hợp với quan điểm của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Mắc-ác-tua, Tổng Biên tập Tạp chí Harper của nước Mỹ cũng đã thẳng thắn nhận xét: “Các hãng tin của Mỹ như FOX, CNN, ABC ít khi đưa được tin chính xác về diễn biến thực tế của các trận đánh. Vì hầu hết các bài viết và hình ảnh đều được biên soạn tại các căn cứ quân sự Mỹ ở Ca-ta và Cô-oét. Các phóng viên đều ở phía sau chiến tuyến. Các bài viết, hình ảnh là do quân đội Mỹ cung cấp”. Cũng chính trong cuộc chiến tranh I-rắc năm 2003, xe tăng của quân đội Mỹ đã nã đạn vào một khách sạn ở Thủ đô Bát-đa, nơi có 100 nhà báo đang trú ngụ, làm 11 người chết và hàng chục người bị thương.
Năm 1917, nhà báo người Mỹ Giôn Rít đã chứng kiến toàn bộ tiến trình của Cách mạng Tháng Mười Nga. Sau đó, ông đã viết tác phẩm “Mười ngày rung chuyển thế giới”. Thế nhưng, khi viết xong, sách của ông đã phải mất 20 lần kiểm duyệt, mới mang được bản thảo về tới nước Mỹ. Khi ông đề nghị được xuất bản, đã gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Nhà cầm quyền Mỹ lúc bấy giờ đã cấm ông tham gia vào Chính phủ. Từ những ví dụ trên cho thấy, mọi cáo buộc, xuyên tạc về tự do báo chí ở Việt Nam là sự áp đặt, thiếu thiện chí, thiếu khách quan và thiếu thực tế.
Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, không một phương diện nào của đất nước mà báo chí không có tiếng nói. Báo chí đã góp tiếng nói phản biện quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước có thêm thông tin, góc nhìn trong việc điều chỉnh chính sách quản lý xã hội. Nhiều vụ việc tham ô, tham nhũng được báo chí phát hiện và đưa ra ánh sáng. Nhiều việc làm sai trái ở các địa phương và cơ quan công quyền cũng được báo chí đăng tải, phản ánh. Báo chí cũng là một kênh thông tin quan trọng để đưa tiếng nói của người dân đến được với các cơ quan chức năng để kịp thời, giải quyết. Có thể nói, báo chí cách mạng Việt Nam, trong đó có báo chí Quân đội đã thực sự trở thành cầu nối giữa “ý Đảng, lòng dân”, tạo sự đồng thuận trong xã hội, thúc đẩy công cuộc xây dựng đất nước, là phương tiện để người dân kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật, đóng góp ý kiến phản biện đối với các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Và đây là công cụ xã hội bảo vệ quyền của người dân. Đó cũng là minh chứng sinh động, khẳng định việc bảo đảm tự do báo chí ở Việt Nam.
Diệp Chi