Xây dựng chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động

0
61
Xây dựng chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động chiếm đa số trong lực lượng lao động của nước ta hiện nay (tính đến hết quý I/2023 là 33 triệu người), góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, nhiều người lao động trong khu vực này bị tai nạn lao động nghiêm trọng trong quá trình lao động. Chỉ tính riêng số người làm việc không theo hợp đồng lao động bị chết do tai nạn lao động trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm là trên 2.000 người (gấp gần 2 lần khu vực người lao động có quan hệ lao động).

Khi bị tai nạn lao động, họ cũng cần được chữa trị và có các khoản hỗ trợ để giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định từ Bộ luật Lao động 2012, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 đã quy định rộng hơn về chính sách của nhà nước trong việc chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, áp dụng cho cả những người làm việc không theo hợp đồng lao động. Đồng thời, điểm c khoản 3 Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định: “Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định”.

“Bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện” đã có các sản phẩm bảo hiểm thương mại về tai nạn lao động ở Việt Nam đang được các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp qua hình thức bảo hiểm sức khỏe theo Luật Kinh doanh bảo hiểm  và các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết luật này, góp phần thực hiện chính sách bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện. Tuy nhiên, do bảo hiểm thương mại với mục tiêu lợi nhuận nên có những hạn chế nhất định trong việc thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh cho người bị nạn và thân nhân của họ (như thiếu chế độ chi dài hạn để bù đắp tổn thất về thu nhập; người nghèo thường không có điều kiện tham gia; phải đóng theo thời hạn cam kết ngay cả khi không có việc làm…).

Bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với tai nạn lao động ở Việt Nam hiện chưa có. Vì vậy, cần xây dựng các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động, trên cơ sở khắc phục các hạn chế của bảo hiểm thương mại, đồng thời kế thừa tính ưu việt bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động trong việc bảo đảm an sinh xã hội.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là cần thiết, góp phần đồng bộ các chính sách trong bảo đảm an sinh xã hội theo quy định tại Điều 34 và Điều 59 của Hiến pháp năm 2013.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động gồm 6 chương, 39 điều trên cơ sở kế thừa một phần các quy định của bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động tại Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội; đồng thời sửa đổi, bổ sung để phù hợp với phương thức quản lý bảo hiểm tự nguyện và điều kiện thực tế triển khai.

Bên cạnh các quy định chung, dự thảo đã nêu rõ các quy định về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; hồ sơ, thủ tục tham gia, giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here