Nâng cao chất lượng công tác dân vận, góp phần củng cố thế trận lòng dân, xây dựng biên giới giàu mạnh

0
47
Nâng cao chất lượng công tác dân vận, góp phần củng cố thế trận lòng dân, xây dựng biên giới giàu mạnh

Nâng cao chất lượng công tác dân vận, góp phần củng cố thế trận lòng dân, xây dựng biên giới giàu mạnh
Đại tá Phạm Tùng Lâm. Ảnh: Thùy Trang

– Thưa đồng chí, thời gian qua, công tác dân vận đã được BĐBP Thừa Thiên Huế tham mưu, phối hợp triển khai thực hiện như thế nào?

– Thời gian qua, nhờ quán triệt, cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị “Về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị” và các văn bản của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP về công tác dân vận, BĐBP Thừa Thiên Huế đã tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai tích cực, toàn diện, đồng bộ công tác dân vận từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn biên giới với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, cách làm hay, sáng tạo, mô hình hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, phù hợp với tình hình thực tế của từng tuyến biên giới, từng thời điểm và từng lĩnh vực cụ thể.

Các đơn vị thuộc BĐBP Thừa Thiên Huế đã đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân bằng hình ảnh trực quan sinh động, việc làm cụ thể, mô hình hiệu quả. Chú trọng phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở các đồn Biên phòng trên biên giới với tinh thần “đi sát với dân, thiết thực bày cho nhân dân cách trồng trọt, chăn nuôi…”.

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh công tác tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, củng cố quốc phòng, an ninh ở các xã, phường, thị trấn biên giới vững mạnh, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã giới thiệu 1 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; 1 đồng chí tham gia HĐND tỉnh; 4 đồng chí chỉ huy đồn Biên phòng tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, 2 đồng chí tham gia HĐND huyện; 13 đồng chí cán bộ đồn Biên phòng tăng cường cho 13 xã biên giới giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã, 4 đồng chí là đại biểu HĐND xã; phân công 224 đảng viên đồn Biên phòng phụ trách 1.096 hộ gia đình ở khu vực biên giới… Qua đó, hệ thống chính trị cơ sở ở các xã, phường, thị trấn biên giới đã có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động hiệu quả; quốc phòng, an ninh luôn được giữ vững ổn định.

Các đơn vị thuộc BĐBP Thừa Thiên Huế đã tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở các xã, phường, thị trấn biên giới; với nhiều phong trào, chương trình, dự án, mô hình có hiệu quả. Bên cạnh các chương trình, mô hình do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, BĐBP tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng được nhiều mô hình sinh kế có hiệu quả như: “Tiết kiệm tiền lẻ chia sẻ khó khăn”, “Giúp đỡ cụ già neo đơn”, “Hũ gạo tình thương”, “Ngôi nhà xanh – Biến rác thải đại dương thành tiền, tiếp sức học sinh khó khăn đến trường”…

Từ năm 2018 đến nay, BĐBP tỉnh đã tham gia hơn 10.000 ngày công tu sửa, nâng cấp trường học bị hư hỏng, làm đường giao thông nông thôn, giúp dân phòng, chống lụt, bão; tặng 85 nhà Đại đoàn kết, 2 phòng học, hơn 8.000 suất quà, 14 sổ tiết kiệm, 52 con dê giống, 30 con bò giống, 3.000 cây giống; đỡ đầu 69 cháu, nhận nuôi 2 cháu tại đồn Biên phòng; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trên 1.500 lượt người; tham gia quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”… với trị giá hàng chục tỉ đồng, góp phần xây dựng khu vực biên giới ngày càng phát triển.

– Từ thực tiễn triển khai công tác dân vận, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế đã rút ra được những kinh nghiệm nào để huy động lực lượng, bám dân, gần dân và thuyết phục người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thưa đồng chí?

– Những kết quả đạt được trong thực hiện công tác dân vận của BĐBP Thừa Thiên Huế đã góp phần giữ vững và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quân – dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Qua thực tiễn thực hiện công tác dân vận, BĐBP tỉnh rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, hoạt động công tác dân vận phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và sự hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền; các ban, ngành, đoàn thể địa phương, thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng”, xác định công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả cán bộ, chiến sĩ trong các cơ quan, đơn vị. Công tác dân vận phải gắn chặt với công tác xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị và vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chỉ huy các đơn vị, tinh thần, trách nhiệm của cán bộ chuyên trách.

Hai là, công tác tuyên truyền, vận động phải chú trọng làm chuyển biến, nâng cao nhận thức và phát huy yếu tố tích cực, chủ động của đồng bào các dân tộc thiểu số và nhân dân sinh sống ở khu vực biên giới. Cán bộ làm công tác dân vận phải thực sự gần dân, hiểu dân, trọng dân, đoàn kết, năng động, sáng tạo, chịu khó, ứng xử, giao tiếp tốt; khả năng truyền đạt dễ hiểu, dễ nghe, nói ít, làm nhiều, làm thực chất; thực sự là tấm gương để mọi người học tập, làm theo.

Ba là, từng cơ quan, đơn vị phải phối hợp với các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể từng giai đoạn, từng năm sát với tình hình, nhiệm vụ. Công tác dân vận phải thiết thực, cụ thể, sát với từng địa bàn và nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phải được tổ chức kiểm tra, hướng dẫn kịp thời; đồng thời làm tốt công tác sơ tổng kết, rút kinh nghiệm; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến…


Cán bộ Đồn Biên phòng Thuận An, BĐBP Thừa Thiên Huế tuyên truyền pháp luật cho ngư dân trên địa bàn. Ảnh: Thu Minh

– Thưa đồng chí, hiện nay, công tác dân vận của các đơn vị trong BĐBP Thừa Thiên Huế đã và đang tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?

– Một là, tiếp tục quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về công tác dân vận trong tình hình mới. Tập trung tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đầy đủ về công tác dân vận; thực hiện tốt chức năng “Đội quân công tác” trong tình hình mới. Phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân về yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Hai là, thường xuyên quan tâm kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đủ biên chế, có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, có kỹ năng công tác vận động quần chúng. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ dân vận chuyên trách là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Ba là, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp công tác dân vận phù hợp với tình hình mới, theo hướng sát thực tiễn, địa bàn, sát đối tượng. Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”; bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng điển hình, mô hình tiêu biểu tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, hiệu quả thiết thực… Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội và các lực lượng trên địa bàn thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam phát động và các chương trình phối hợp hoạt động; tham gia phát triển kinh tế – xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc…

– Xin cảm ơn đồng chí!

Thu Minh (thực hiện)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here