Cảng cá trước bình minh

0
76
Cảng cá trước bình minh

Cảng cá trước bình minh
Những người mưu sinh trên cảng. Ảnh: Tiêu Dao

Chợ cá lúc nửa đêm

Ngày làm việc mới ở cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) bắt đầu từ 1 giờ sáng. Khi bóng đêm còn bao phủ vạn vật, từng tốp người đã đổ về cảng cá. Người đưa cá từ tàu, ghe vào bờ; người vận chuyển tôm, cá, mực từ ghe lên, người phân loại hải sản, người cân hàng… làm cho cảng cá luôn sôi động. Hàng tấn cá tươi rói lần lượt được bốc từ trong khoang các con tàu xuống bán cho vựa cá. Mùa này chuẩn bị vào vụ cá chính vào thời điểm tháng 6 đến tháng 8 âm lịch. Hải sản cập cảng mùa này chủ yếu là cá nục, cá thu, cá bạc má, cá chao cháo, cá hố, mực ống, mực nang… Đôi khi được một vài loại cá đặc biệt khác.

Anh Nguyễn Đức Lân (43 tuổi, ở xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã hơn 10 năm làm việc trong đội vận chuyển và bốc xếp. Anh bảo, tùy theo sức khỏe, lao động sẽ chọn cho mình công việc phù hợp để mưu sinh. “Tổ khiêng cá của chúng tôi có 8 người, làm việc từ 0 giờ sáng. Ngày nào xong sớm thì khoảng 6 giờ sáng được về nhà. Nhưng cũng có khi ghe vào nhiều, anh em phải làm việc tới 8 giờ sáng. Công việc nặng nhọc, nghề nào cũng có những vất vả riêng, với tôi và những người lao động khác, mức thu nhập bình quân khoảng 7-8 triệu đồng/tháng đủ để tôi tằn tiện sống, dành dụm phần nào cho gia đình. Vì thế, chúng tôi sẽ gắn bó lâu dài với cảng cá, với biển. Với chúng tôi, cảng là nhà!”.

Nhìn theo tay anh Lân chỉ, chúng tôi thấy hơn chục lao động đang ngồi nghỉ tay sau khi vận chuyển hết 120 giỏ cá từ ghe lên bờ. Buổi sáng sớm, khi mặt trời chưa kịp ló dạng, thời tiết còn khá mát mẻ nhưng lưng áo các anh ướt đẫm mồ hôi. Anh Lân cho biết thêm, cảng cá Thọ Quang đã giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 400 lao động/ngày. Đa phần họ là người dân bám cảng mưu sinh bằng đủ loại công việc: Khuân vác, rửa cá, phân loại, bán thức ăn, nước giải khát cho lao động, tải nước, chở xăng dầu, mót cá…

Nếu như những việc nặng như gánh cá, chèo đò, khuân vác đòi hỏi sức khỏe của nam giới, thì công việc nhỏ, đòi hỏi sự tỉ mỉ như phân loại tôm, ghẹ, cá thường dành cho phụ nữ. Vừa thoăn thoắt phân loại những con cá mối, cá phèn, cá đỏng, cá mắt kiếng…, chị Nguyễn Thị Nhuột (39 tuổi, ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) vừa cắt việc cho những đồng nghiệp. Những giỏ cá đầy ắp sau khi phân loại sẽ được đưa đến nơi tập kết để đưa đi sơ chế.

Chị Nhuột kể: “Bình quân mỗi tháng làm 20 ngày, có tháng ghe tàu vào nhiều thì làm nhiều hơn, có tháng ít hơn. Tùy theo lượng cá, ngày nào nhanh thì vài giờ là xong, ngày có cá về nhiều, chị em phải phân loại tới khuya mới xong. Thu nhập của chị em ở đây khoảng 6 triệu đồng/người/tháng bao ăn. Thế cũng đỡ cực hơn làm ruộng nhiều!”. Một điều dễ nhận thấy là lao động làm công việc phân loại hải sản đều là phụ nữ. Hàng chục chị luôn kín mít trong bộ đồ “bảo hộ” như khẩu trang, ủng, bao tay cao su cặm cụi làm việc. Thỉnh thoảng các chị lại đùa giỡn với nhau hoặc góp vui bằng vài câu tếu táo hay những chuyện về cuộc sống gia đình.

Trời càng về sáng, không khí làm việc trên bến càng khẩn trương. Hàng trăm con người vây quanh từng đống cá đủ loại, nhanh tay phân loại cá, cân ký, cắt đầu, bốc lên xe… Ở góc khác, vài thanh niên hì hục chuyển đá, nước, bơm dầu vào những can nhựa loại 40-50 lít… chuẩn bị chuyến biển mới. Tiếng nói cười râm ran cả một vùng mặt nước rộng. Dưới ánh đèn vàng hắt ra từ những vựa thu mua hải sản bên cạnh, có thể nhìn rõ vẻ ngái ngủ trên gương mặt nhiều người. Nhưng với họ, việc mưu sinh vẫn là ưu tiên số một.

Những người bám biển

Ông Lê Văn Năm, chủ tàu cá QN99889 kể, gia đình ông có đến 2 tàu cá với gần 50 lao động biển thường xuyên. “Dù thế nào chăng nữa cũng phải bám biển đến cùng, vì nghề đánh bắt là truyền thống của cha ông để lại. Hơn nữa, phải tạo được công ăn việc làm cho bạn chài để họ có cái nuôi sống gia đình họ, nhờ đó giữ được nghề, có miếng cơm cùng nhau chứ!” – ông Năm nói.


Bên trong cảng cá, những vựa hải sản nhộn nhịp nhập hàng. Ảnh: Tiêu Dao

Anh Phan Văn Hoàng (37 tuổi, ở phường Thọ Quang) có thâm niên 10 năm gắn bó với cảng cá này. Đã thành lệ, cứ 1 giờ sáng mỗi ngày, anh đều có mặt ở cảng cá. Châm điếu thuốc giữa những phút thảnh thơi sau khi ghe cập bến, anh cho biết: “Trước đây, tôi cũng có ghe, đi đánh bắt ngoài biển nhưng ghe nhỏ nên thu nhập không được cao. Thời gian sau đó, tôi đi bạn cho các tàu lớn, ở biển nhiều hơn ở đất liền. Dù công việc lênh đênh trên biển chẳng có thời gian nghỉ ngơi hay ở nhà với gia đình, bù lại, thu nhập cho việc đánh bắt cá khi đi bạn cũng khá!”.

Trong nghề đi biển, bọn tui đã gặp không ít những chuyến biển trắng tay nhưng không bao giờ nản chí. Chim trời cá nước biết đâu mà lường. Ông bà ta đã dạy “ruộng năng canh, biển năng hành”, cứ dong buồm ra khơi thì sẽ được biển ban phát. Với lại, biển đối với ngư dân bọn tui như là nhà của mình”.- Anh Thanh bộc bạch.

Anh Nguyễn Tê, thuyền trưởng một tàu cá ở Thọ Quang cho biết, tàu cá của anh cỡ vừa với công suất 60CV nên đánh bắt chừng vài ngày là vào bờ. Với các tàu cá có công suất lớn trên 90CV thì có thể đi biển từ 10-15 ngày, nếu gặp tàu tiếp dầu trên biển có thể bán cá luôn rồi đánh bắt tiếp. Ngư trường chính là Hoàng Sa hay Trường Sa của Việt Nam.

Một thuyền trưởng khác là Nguyễn Thanh cho biết, đi biển dẫu là một công việc nặng nhọc và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhưng đó không chỉ là cái nghề mưu sinh nuôi gia đình, mà còn là cái nghiệp của cha ông ngàn đời trước truyền lại. Dẫu có thời điểm sản lượng giảm so với những mùa cá khác, nhưng số lượng tàu thuyền ra khơi vẫn đều đặn. Mặt khác, bà con biết tiết kiệm chi phí và đánh bắt hiệu quả hơn.

Hẳn vậy, trong những tâm sự của ngư dân, tôi hiểu, con tàu và khơi xa vốn đã thân thuộc với họ như là vùng đất quê hương mình. Với ngư dân, biển không chỉ là nơi mưu sinh, đi biển không chỉ là nghề. Giữa ngư dân với biển tồn tại mối quan hệ như máu thịt, như hơi thở từng phút từng giây. Bởi thế, họ gắn bó cả đời với sóng gió trùng khơi dù có những lúc biển đói thê thảm, dù hiểm nguy trùng trùng là điều dễ hiểu.

Những hiểm nguy, bão tố không hề làm họ nao núng, mà còn hun đúc trong lòng họ sự quyết tâm bám biển. Với họ, nghề biển không chỉ để mưu sinh, mà còn để góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Vươn ra ngoài những đảo đá kỳ quan, không thể đếm hết có bao nhiêu ngư dân đang ngày đêm sống gắn bó với mặt nước mênh mông ấy.

Tiêu Dao

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here