Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ cách nhận biết ‘chiêu’ lừa mới bằng công nghệ deepfake

0
66
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ cách nhận biết ‘chiêu’ lừa mới bằng công nghệ deepfake

05/05/2023 19:23

Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc trả lời tại buổi họp báo dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm. Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc trả lời tại buổi họp báo dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm.

(PLVN) – Phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến này “để lộ” một số dấu hiệu nhận biết: Thời gian gọi thường chỉ vài giây, khuôn mặt trên khung hình thiếu tính cảm xúc và khá “trơ” khi nói, tư thế lúng túng, hướng đầu và cơ thể trong video không nhất quán với nhau…

Người dân cần cảnh giác và tuyệt đối bình tĩnh

Sáng 5/5, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức họp báo thường kỳ để cung cấp một số thông tin liên quan đến hoạt động của Bộ, ngành TT&TT. Nhiều vấn đề liên quan mà các phóng viên báo, đài nêu lên đã được lãnh đạo Bộ và các đơn vị giải đáp.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về hình thức lừa đảo trực tuyến mới là cuộc gọi video deepfake xuất hiện thời gian gần đây, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Trần Quang Hưng cho biết, các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến. Deepfake đang là một mối đe dọa đối với sự trung thực và tin cậy của video và hình ảnh. Nó có thể được sử dụng không chỉ để lừa đảo trực tuyến mà còn sử dụng cho các mục đích khác như tấn công chính trị, tạo ra những tin tức giả mạo hoặc phá hoại danh tiếng của người khác.

Ông Hưng lưu ý, phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến này nhắm tới việc lừa đảo tài chính và “để lộ” một số dấu hiệu nhận biết: thời gian gọi thường rất ngắn, chỉ vài giây; khuôn mặt trên khuôn hình thiếu tính cảm xúc và khá “trơ” khi nói, tư thế trông lúng túng, không tự nhiên, hướng đầu và cơ thể của họ trong video không nhất quán với nhau… Có thể xảy ra tình huống mà tài khoản chuyển tiền không phải của người đang thực hiện cuộc gọi và thường kẻ gian sẽ ngắt giữa chừng, nói là mất sóng, sóng yếu… Người dân nên luôn cảnh giác và tuyệt đối bình tĩnh.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ cách nhận biết 'chiêu' lừa mới bằng công nghệ deepfake ảnh 1

Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Trần Quang Hưng.

Bàn về giải pháp, ông Hưng cho rằng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước… để không còn tài khoản không chính chủ vốn được lập dễ dàng, thậm chí đối tượng bỏ tiền mua để lập; đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như việc chuẩn hóa thông tin thuê bao đã và đang tiến hành; tận dụng căn cứ pháp lý mạnh vừa được ban hành ngày 17/4/2023 là Nghị định số 13/2023/NĐ-CP bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo ông Hưng, có đồng bộ các giải pháp như vậy thì kể cả khi các hình thức lừa đảo này có thay đổi đến đâu, số cuộc lừa đảo trực tuyến cũng được kỳ vọng sẽ giảm được tới 80%.

Sẽ có thông tin chuyên đề về sim rác viễn thông

Trước thực trạng hiện nay đang tái diễn các cuộc gọi rác, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc nêu bật 6 giải pháp mà cơ quan chức năng thường xuyên, cương quyết tiến hành.

Theo đó, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục chuẩn hóa thông tin thuê bao; tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an để xử lý các cuộc gọi lừa đảo, điều tra, xử lý các trạm BTS giả; đôn đốc kiểm tra, đánh giá việc xây dựng, triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn cuộc gọi rác, cung cấp cho người sử dụng các công cụ chủ động ngăn chặn cuộc gọi rác từ thiết bị của mình.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ cách nhận biết 'chiêu' lừa mới bằng công nghệ deepfake ảnh 2

Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do.

Ngoài ra, ngăn chặn, xử lý nghiêm khắc các vi phạm theo Nghị định số 91/2020/NĐ-CP chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và theo Nghị định số 13/2023/NĐ-CP; đôn đốc kiểm tra, ngăn chặn, thu hồi các sim thực hiện cuộc gọi rác; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để cùng đồng hành với Bộ không dễ dãi cung cấp thông tin cá nhân trên môi trường mạng.

Nói thêm về vấn đề sim rác viễn thông, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhắc lại, ngày 15/5 tới đây là ngày đến hạn thu hồi đối với thuê bao không chuẩn hóa thông tin (thống kê của Cục Viễn thông tính đến ngày 4/5 là có hơn 1 triệu thuê bao bị khóa 2 chiều). Thứ trưởng cho hay, hiện trên cả nước đang tiến hành nhiều cuộc thanh tra liên quan, riêng Bộ TT&TT thực hiện 7 cuộc thanh tra, trong vài ngày nữa sẽ có kết quả thanh tra và Bộ sẽ thông tin chuyên đề cho báo chí.

Chỉ áp dụng biện pháp “mềm” với nghệ sĩ vi phạm

Về việc xử lý nghệ sĩ vi phạm quy tắc ứng xử, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do nhấn mạnh, đơn vị này chưa bao giờ đề cập là triển khai “phong sát” hay cấm sóng nghệ sĩ. Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc thì họ có “phong sát”, tẩy chay hoặc cấm sóng nghệ sĩ vi phạm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Bộ TT&TT đã thống nhất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) dùng từ “hạn chế hình ảnh” của những nghệ sĩ đó trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên báo chí, đài phát thanh truyền hình, trên mạng và trong các hoạt động biểu diễn trên sân khấu.

Giải thích lý do không dùng từ “phong sát”, cấm sóng nghệ sĩ, ông Tự Do nêu rõ, theo quy định của pháp luật, để cấm bất kỳ hoạt động nào của công dân thì phải có luật quy định. Vì vậy, chúng ta sử dụng biện pháp “mềm” là vận động các cơ quan báo chí, các cơ quan tổ chức sự kiện ủng hộ, cùng Nhà nước chung tay làm sạch môi trường hoạt động nghệ thuật, biểu diễn… bằng cách không cổ vũ, không khuyến khích, không mời những nghệ sĩ vi phạm đạo đức, có lối sống lệch chuẩn theo Bộ quy tắc mà Bộ VHTTDL đã ban hành. Đây là việc làm trên tinh thần đồng thuận, tự nguyện, không bắt buộc.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here