Cô gái 29 tuổi giành học bổng trường Kinh doanh số 1 nước Mỹ

0
83
Cô gái 29 tuổi giành học bổng trường Kinh doanh số 1 nước Mỹ

Bích Trâm, 29 tuổi, người Nghệ An, giành học bổng thạc sĩ của 6 trường Kinh doanh hàng đầu nước Mỹ nhờ bài luận am hiểu về trường và điểm GMAT xuất sắc.

Trong số này, trường Kinh doanh Booth của Đại học Chicago, Kellogg thuộc Đại học Northwestern ở hai vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng do US News công bố hồi cuối tháng 4.

Bốn trường còn lại là Ross (Đại học Michigan) ở vị trí số 8, trường Kinh doanh Haas (Đại học UC Berkeley) và Fuqua (Đại học Duke) đồng hạng 11, trường Kinh doanh Goizueta (Đại học Emory) xếp thứ 17.

Học bổng mà Trâm nhận được ở mỗi trường dao động 80.000 – 150.000 USD (1,9 – 3,5 tỷ đồng), trong hai năm, tương đương từ 50 đến 100% học phí.

Bích Trâm cho hay bắt đầu tìm hiểu để ứng tuyển từ tháng 8/2021. Khi đó, cô đã có 4 năm làm việc ở mảng chiến lược khách hàng và phân tích dữ liệu tại một số công ty công nghệ trong nước. Nhận thấy tiềm năng từ dữ liệu, Trâm cho rằng cần tiếp tục học thêm để tiến sâu hơn trong lĩnh vực này. Ngoài ra, cô cũng muốn tăng khả năng lãnh đạo và mở rộng mạng lưới quan hệ.

Trâm nhìn nhận bảng điểm thời đại học hay kinh nghiệm đã trải qua là điều không thể thay đổi. Vì thế, cô tập trung vào bài luận và điểm GMAT – hai thành tố quan trọng khác của bộ hồ sơ ứng tuyển.

Bài luận am hiểu về trường

Trâm đã viết 12 bài luận cho 6 trường. Theo Trâm, việc tìm hiểu kỹ văn hóa của trường rất quan trọng để đưa ra chiến lược viết đúng, thể hiện sự phù hợp của bản thân.

“Các đại học Mỹ thường rất xem trọng văn hóa và căn cứ vào đó xem xét ứng viên có phù hợp với môi trường của họ hay không”, Trâm nói, ví dụ trường Kinh doanh Booth thường trọng học thuật, còn Đại học Emory có thiên hướng về các kỹ năng mềm.

Để hiểu điều này, Trâm tìm trên mạng việc làm LinkedIn, tìm kiếm những người có cùng background nghề nghiệp, từng theo học các trường trong danh sách mà cô ứng tuyển. Trâm sau đó gửi email xin một cuộc hẹn ngắn với họ, khoảng 60-70% người nhận thư đồng ý. Cô gái xứ Nghệ đánh giá các cuộc hẹn này không chỉ giúp cô hiểu tổng quan về văn hóa của trường, mà còn mang đến nhiều thông tin chi tiết hơn.

“Một bạn người Đài Loan học ở Haas có kể cho tôi về một vài khóa học mà bạn cực kỳ thích tại trường, và tôi đã nêu tên các khóa học này trong bài luận để thể hiện mình đã có sự tìm hiểu kỹ càng”, Trâm nói.

Ngoài ra, trong bài luận, Trâm thể hiện rõ mục tiêu dài hạn của bản thân trong tương lai. Đó là trở thành chuyên gia tư vấn quản lý sau khi tốt nghiệp.

“Thứ các trường quan tâm là mục tiêu sau 10-20 năm nữa, bạn trở thành ai, và chương trình MBA này sẽ là bàn đạp cho bạn ở trong giai đoạn nào và như thế nào”, Trâm nói, cho rằng nếu mục đích chỉ là thăng chức trong ngắn hạn, hồ sơ sẽ không nổi bật.

Khi đọc đề bài của các trường, Trâm đều phân tích rồi xác định những yếu tố cần đưa vào bài luận. Từ đó, cô kể những mẩu chuyện nhỏ của bản thân, có liên kết đến chủ đề của bài luận. Chẳng hạn, trong bài luận ở trường Haas với chủ đề: “What makes you alive? – Điều gì khiến bạn đang sống”, Trâm đã nói về hành trình đi trekking một mình ở Nepal trong 14 ngày, tới chân núi Annapurna thuộc dãy Himalayas. Qua đó, cô thể hiện mình sẵn sàng chấp nhận thử thách, có khả năng kết nối và mở rộng tư duy.

Bích Trâm trong một chuyến đi hồi 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bích Trâm trong một chuyến đi hồi 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tập trung vào kỹ năng Đọc của GMAT

Trâm bắt đầu học GMAT (bài thi chuẩn hóa để ứng tuyển sau đại học) từ tháng 8/2021 và đạt 750/800 điểm sau một năm. Thông thường, điểm thi GMAT trong khoảng 700-740 đã được đánh giá là tốt và cũng là mức điểm phổ biến của sinh viên tại những trường kinh doanh nổi tiếng nhất thế giới.

Bài thi GMAT gồm 4 phần: Verbal (Ngôn ngữ), Quantitative (Toán định lượng), Writing (Viết), Integrated Reasoning (Lý luận tích hợp).

Trâm nhìn nhận GMAT không phải bài thi tiếng Anh mà là bài thi logic, nên điều quan trọng nhất là đọc hiểu có tư duy hệ thống. Vì thế, cô đầu tư nhiều nhất vào kỹ năng Đọc.

Khác với IELTS, người học thường chọn cách đọc skimming (đọc nhanh) để nắm ý tổng quan, bài thi GMAT gài gắm nhiều chi tiết nhỏ nên bắt buộc phải đọc, hiểu toàn bộ ý của bài mới có thể làm tốt. Cách học của Trâm là luôn đánh giá mục đích của tác giả và cách họ lập luận để chứng minh điều đó. Đọc xong mỗi câu, mỗi đoạn, Trâm sẽ hình dung được nó bổ sung thế nào, có vai trò gì cho kết luận của tác giả.

“Sau khi đọc hết một bài, mình có thể vẽ được sơ đồ lập luận trong đầu, như vậy thì việc giải câu hỏi sẽ dễ dàng và tốn ít thời gian hơn”, Trâm chia sẻ, cho hay kỹ năng đọc hiểu tốt giúp cô làm tốt phần Ngôn ngữ và Lý luận tích hợp.

Với phần Toán học, Trâm nói chỉ cần tập trung vào phần từ vựng để hiểu đúng câu hỏi vì độ khó chỉ tương đương toán cấp 2 của Việt Nam.

Về tài liệu, Trâm chọn tìm từ tổ chức ra đề thi GMAT, ví dụ quyển GMAT Official Guide. Ngoài ra, cô tham gia cộng đồng học GMAT trên mạng xã hội để tham khảo bài mẫu. Việc này theo Trâm nếu biết chọn lọc sẽ giúp mở rộng và cải thiện lối tư duy của bản thân.

Khoảng 10 ngày trước kỳ thi, mỗi ngày Trâm làm một bài thi thử trong ba tiếng để làm quen với áp lực phòng thi, căn thời gian làm bài cũng như rèn luyện sự tập trung cao độ.

Khi làm bài thi, Bích Trâm chọn những phần có thế mạnh làm trước. Cô cho rằng, người thi cần chấp nhận bỏ qua các câu hỏi khó thay vì chôn chân mãi ở đó, ảnh hưởng tới thời gian làm bài.

CV nhấn mạnh tính hiệu quả

Với Sơ yếu lý lịch (CV), Trâm cho rằng không quá phức tạp vì chủ yếu liệt kê những thông tin cơ bản. Tuy nhiên, không phải mọi giám khảo đều đã từng làm qua công việc của ứng viên để có thể hiểu mọi thuật ngữ chuyên ngành. Do đó, Trâm tìm cách đơn giản hóa các thuật ngữ về những công việc mà cô đã và đang làm.

Trâm nhìn nhận các chương trình MBA coi trọng khả năng lãnh đạo, kỹ năng đàm phán, phong cách làm việc nhóm, tư duy phản biện và mạng lưới của ứng viên. Những điều này cần được thể hiện trong CV.

“Bạn hãy cho thấy việc mà mình làm ảnh hưởng đến công ty như thế nào, tạo giá trị gì cho tập thể”, Trâm nói. Trong CV, cô đã kể về quá trình kết nối các phòng, ban tại Gojek hay tại Shopee để công việc được hiệu quả.

Ngoài ra, để ứng tuyển học bổng MBA, Trâm còn kết nối để xin thư giới thiệu từ những đồng nghiệp cũ. Nhìn chung, cô cho rằng điều quan trọng là ứng viên hiểu được giá trị của bản thân và có kế hoạch rõ ràng cho tương lai. Trâm dự kiến chọn theo học tại Đại học Chicago Booth vào mùa hè tới.

Doãn Hùng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here