Ba rào cản xin việc của du học sinh Việt tại Mỹ

0
100
Ba rào cản xin việc của du học sinh Việt tại Mỹ

Với nhiều sinh viên quốc tế tại Mỹ, việc ứng tuyển 300-400 công ty nhưng vẫn không nhận được thư mời nhận việc nào là điều không quá hiếm gặp.

Bùi Minh Đức, 30 tuổi, hiện là sinh viên ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Massachussetts, Mỹ, theo chương trình học bổng Fulbright do Chính phủ Mỹ tài trợ. Trong quá trình học và xin thực tập, Minh Đức nhận ra một số rào cản với du học sinh khi xin việc tại Mỹ.

Mỗi sáng thứ 5 hàng tuần, tôi tham gia nhóm “Student Career Forum” (Diễn đàn nghề nghiệp cho sinh viên). Buổi họp định kỳ là dịp các thành viên trao đổi những chủ đề liên quan tới công việc, hoặc cập nhật tình hình về cơ hội việc làm, thực tập tại Mỹ. Trong buổi cuối cùng trước khi kết thúc năm học, một bạn chia sẻ đã nhận được vị trí thực tập tại một công ty trong ngành IT, sau khoảng 400 hồ sơ được gửi đi.

Theo tôi, 400 hồ sơ cho một vị trí thực tập có lẽ vẫn là kết quả tốt, bởi đa phần các thành viên khác trong nhóm thậm chí còn không được nhà tuyển dụng hồi âm.

Với du học sinh Việt Nam nói riêng và sinh viên quốc tế tại Mỹ nói chung, tìm việc không hề dễ dàng. Số người trúng tuyển hay được nhận vào thực tập tại các công ty lớn như Facebook, Google, Amazon rất nhỏ trong số du học sinh Việt tại Mỹ. Nhiều người cho rằng những sinh viên nộp 500 hồ sơ nhưng vẫn không xin được việc là một điều đáng kinh ngạc, hoặc cho thấy ứng viên thiếu năng lực. Tuy nhiên, khi đi tìm nơi thực tập, tôi thấy có nhiều cách lý giải cho con số lớn như vậy.

Thứ nhất là chính sách visa. Có khá nhiều loại visa cho phép một người nước ngoài làm việc tại Mỹ, trong đó phổ biến nhất là visa H-1B.

Hiểu một cách đơn giản, đa số trường hợp cần công ty sponsor (tài trợ) visa H-1B nếu muốn làm việc tại Mỹ, nhưng không phải công ty nào cũng sẵn lòng tài trợ visa cho bạn vì nhiều lý do: Chi phí tài trợ visa, nhân sự không hiểu rõ quy trình, lo nhân viên sẽ không gắn bó với công việc… Không ít nhà tuyển dụng chưa kịp đánh giá năng lực của ứng viên mà chỉ quan tâm xem ứng viên có cần tài trợ visa không. Khi nghe ứng viên nói rằng họ cần tài trợ visa, chuyên viên tuyển dụng sẽ phản hồi “tôi sẽ liên lạc lại với bạn sau”.

Đa số trường hợp sẽ không liên lạc lại, nếu công ty không sẵn sàng tài trợ visa cho ứng viên. Bạn tôi chia sẻ rằng, nhiều người từng trả lời “không cần công ty tài trợ visa” để tăng cơ hội trúng tuyển. Tôi cho rằng trên thực tế, thẳng thắn chia sẻ vẫn là giải pháp tốt nhất.

Minh Đức tại San Francisco, Mỹ, tháng 4/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Minh Đức tại San Francisco, Mỹ, tháng 4/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Rào cản ngôn ngữ và văn hoá là yếu tố thứ hai mà nhiều sinh viên quốc tế gặp phải khi tìm việc. Sinh viên vẫn “rỉ” tai nhau rằng, những ngành như sales (bán hàng), truyền thông sẽ khó khăn hơn cho sinh viên mới ra trường.

Là một người học truyền thông, tôi hiểu những khó khăn đặc thù của ngành này so với nhiều ngành STEM hay kỹ thuật. Bạn phải hiểu khách hàng, hiểu văn hoá, nếp sống, thói quen của người Mỹ nếu muốn làm những công việc trên. Nếu số liệu là ngôn ngữ toàn cầu thì tâm lý khách hàng, hành vi tiêu dùng, sở thích thói quen bị ảnh hưởng nhiều bởi địa lý, đòi hỏi sinh viên phải có năng lực văn hóa (cultural competence) rất cao. Dù còn nhiều tranh cãi, nhiều người coi CQ (Cultural Intelligence – Trí thông minh văn hoá) quan trọng không kém gì IQ (chỉ số thông minh) hay EQ (chỉ số cảm xúc) khi làm việc tại một quốc gia khác.

Chính vì vậy, nhiều sinh viên muốn ở lại Mỹ làm việc thường chọn các ngành trong khối STEM, công nghệ thuật toán, khoa học máy tính, tài chính kế toán…. Không chỉ vì nhu cầu tuyển dụng sinh viên của một số ngành ngày càng lớn, kiến thức học được trong các ngành trên cũng mang tính toàn cầu hơn.

Rào cản thứ ba nằm ở hệ thống tuyển dụng ở Mỹ. Trên tờ The Wall Street Journal số ra ngày 20/03 có bài viết về những công việc “ma” tại Mỹ. Công việc “ma” là như thế nào?

Nhiều công ty tại Mỹ đăng tuyển dụng và vẫn nhận hồ sơ của ứng viên nhưng thực tế họ không có nhu cầu tuyển người. Theo trích dẫn trong bài báo, ước tính vào cuối năm 2021, có khoảng 20% bài đăng tuyển dụng tại Mỹ là giả. Với tỷ lệ này, nếu bạn nộp 1.000 hồ sơ xin việc, 200 hồ sơ của bạn sẽ bặt vô âm tín.

Tại sao các công ty làm như vậy? Có nhiều lý do giải thích cho xu hướng này. Nhiều công ty đăng tuyển dụng liên tục để tạo ấn tượng rằng doanh nghiệp vẫn đang phát triển tốt. Ngoài ra, nhiều nơi không có nhu cầu tuyển dụng nhưng vẫn muốn tích luỹ hồ sơ ứng viên, phòng khi họ cần thay thế sẽ có các nguồn ứng viên để liên lạc ngay.

Ngoài ra, là sinh viên quốc tế, bạn còn phải chấp nhận rằng sinh viên Mỹ sẽ có lợi thế hơn bạn trong nhiều lĩnh vực. Tôi còn chưa đề cập tới những định kiến về việc làm tại Mỹ vốn là điểm bất lợi cho nhiều người gốc Phi, gốc Á và cả sinh viên quốc tế.

Nâng cao năng lực luôn là điều cần thiết để tìm kiếm công việc phù hợp. Nước Mỹ thậm chí có những dạng visa như O-1 dành cho các cá nhân xuất sắc nổi trội từ các quốc gia khác. Điều này cho thấy rằng, nếu bạn là một nhân tài, xuất chúng, sẽ luôn có cánh cửa mở rộng chào đón bạn tại Mỹ.

Nhưng có lẽ trong số 30.000 du học sinh Việt Nam tại Mỹ, con số những người xuất sắc nổi bật để được “trải thảm đỏ” tới các công ty không nhiều đến vậy. Phần đông vẫn đang phải nỗ lực để cạnh tranh cơ hội việc làm với sinh viên Mỹ lẫn sinh viên quốc tế từ khắp nơi trên thế giới.

Bùi Minh Đức

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here