Quyền lợi của người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài luôn được bảo đảm

0
70
Quyền lợi của người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài luôn được bảo đảm

Biên phòng – Bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là một trong những vấn đề mà một số cá nhân và tổ chức phương Tây thường săm soi nhằm chống phá Việt Nam dưới vỏ bọc dân chủ, nhân quyền, đặc biệt trong thời gian gần đây. Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là dịp phù hợp để chúng ta đưa ra tiếng nói xác đáng về vấn đề này.

Quyền lợi của người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài luôn được bảo đảm
Người lao động. Ảnh minh họa: TTXVN

Nhà nước, địa phương và doanh nghiệp cùng nỗ lực

Những gì diễn ra trong nhiều năm qua đã chứng minh đi lao động ở nước ngoài là kênh giải quyết việc làm hiệu quả đối với một quốc gia có dân số lên tới khoảng 100 triệu người như Việt Nam. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ có thu nhập cao, giúp cải thiện đời sống, tăng tích lũy về tài chính cho chính họ và gia đình mà còn đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước. Số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, mỗi năm hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đem lại lượng kiều hối khoảng từ 3 đến 3,5 tỷ USD. Thực tế cũng cho thấy, số người Việt Nam đi lao động hợp pháp ở nước ngoài đang có xu hướng ngày càng tăng, với hơn 37.900 người chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, cao gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, cùng với việc tiếp tục giữ vững các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống, Việt Nam đang hướng tới các thị trường châu Âu và các thị trường tiềm năng như Australia, Singapore… nhằm giúp người lao động có công việc ổn định, thu nhập cao hơn.

Thế nhưng, gần đây, một số cá nhân và tổ chức nước ngoài vu cáo Việt Nam không thực hiện nghĩa vụ đã cam kết trong các hiệp định thương mại quốc tế và vi phạm những công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Họ đưa ra nhận định rất mơ hồ, đó là Việt Nam “chưa nỗ lực” trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Nỗ lực hay không trước hết được thể hiện qua việc ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 69/2020/QH14 về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), trong đó quy định các hành vi bị nghiêm cấm như: Tổ chức, xuất cảnh trái phép hay mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động… cùng nhiều vấn đề khác liên quan, làm cơ sở để bảo vệ người lao động khi sang nước ngoài làm việc. Theo đó, quyền lợi của người lao động được bảo vệ dưới nhiều góc độ và trường hợp khác nhau, chẳng hạn: Họ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Những năm qua, các chính sách của Nhà nước, địa phương cũng như thông tin về tuyển người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm góp phần ngăn ngừa tình trạng lừa đảo, thu tiền quá quy định hoặc dụ dỗ, lôi kéo, tổ chức đưa lao động đi làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài. Ở một khía cạnh khác, nâng cao nhận thức cũng là cách hiệu quả nhằm giúp người dân có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, tránh rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Chia sẻ trong một hội nghị diễn ra mới đây, Tiến sĩ Hà Thị Minh Đức, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được quản lý, giám sát chặt chẽ từ khâu chuẩn bị nguồn, đăng ký hợp đồng, tuyển chọn lao động, đào tạo, giáo dục định hướng, quản lý người lao động làm việc ở nước ngoài cho tới việc hỗ trợ việc làm khi họ hết hợp đồng trở về nước. Thực tế cho thấy đã có những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này bị xử lý vì một số sai phạm, ví dụ: Không thực hiện đầy đủ việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; chương trình, tài liệu giáo dục định hướng thiếu nội dung về kỷ luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động; đơn phương thanh lý hợp đồng không đúng quy định; chưa chủ động báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có vụ việc phát sinh để hỗ trợ người lao động…

Bám sát các tiêu chuẩn quốc tế

Lại có ý kiến phán bừa rằng Việt Nam chưa đào tạo đầy đủ để người lao động hiểu được những rủi ro họ có thể gặp phải khi sang nước ngoài làm việc, trong khi thực tế đã chứng minh điều ngược lại.

Phải khẳng định rằng, đến nay, Việt Nam đã có nhiều hướng dẫn về vấn đề này, chính xác là thị trường lao động nào có sổ tay hướng dẫn riêng cho thị trường đó nhằm giúp người lao động hiểu được văn hóa của nước sở tại, những hành vi được làm và cần tránh. Trước khi đi, người lao động cũng được nắm rõ các thông tin về chế độ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với luật pháp Việt Nam và của nước đến. Trong các khóa giáo dục định hướng trước khi xuất cảnh, người lao động được cung cấp kiến thức cơ bản về phòng, chống buôn bán người, cưỡng bức lao động, bình đẳng giới, lạm dụng tình dục, bạo lực giới cũng như các kỹ năng phòng ngừa. Thậm chí, họ còn được hướng dẫn cả kỹ năng chi tiêu tiết kiệm, gửi tiền về cho gia đình trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Đặc biệt, sự ra đời của một “bộ quy tắc ứng xử” do ILO hỗ trợ đã giúp các doanh nghiệp chuyên đưa người đi làm việc ở nước ngoài hướng tới những mục tiêu tuyển dụng theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tuân thủ tốt hơn các quy định của luật pháp và chính sách, trong đó cấm việc tuyển chọn lao động dưới 18 tuổi và hướng dẫn cụ thể nhiều vấn đề liên quan như: Quá trình đào tạo, tổ chức cho người lao động xuất cảnh ra sao, bảo vệ họ trong thời gian làm việc ở nước ngoài như thế nào, các đầu mối hỗ trợ ở từng nước…

Cũng không thể không nhắc tới nỗ lực đi đầu trong phòng, chống buôn bán người và bảo vệ lao động di cư mà Việt Nam đã thể hiện tại các cuộc trao đổi chính sách hay thông qua những diễn đàn quốc tế và khu vực. Ngay trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam đã tham gia nghiên cứu nhiều dự án liên quan tới việc bảo vệ quyền lợi của người lao động di cư.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng với dân số khoảng 100 triệu người, trong đó có 54 triệu lao động thì việc quản lý người lao động ở nước ngoài của Việt Nam khó khăn hơn nhiều so với những quốc gia có dân số ít. Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi nhiều người tự tìm đường sang nước ngoài làm việc, làm nảy sinh những rủi ro cho chính họ, chẳng hạn như bị ngược đãi, biến thành “con mồi” của các đường dây buôn bán người hay thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Về lâu dài, để giải quyết vấn đề này không chỉ cần sự nỗ lực của riêng Việt Nam mà còn cần tới sự hỗ trợ của các nước khác, đặc biệt là các nước tiếp nhận lao động.

Hiện nay, Việt Nam cũng đang hướng đến việc tăng cường kỹ năng và chất lượng lao động, bởi lao động sang nước ngoài với kỹ năng càng thấp thì càng dễ rơi vào những tình huống rủi ro hơn, đôi khi chỉ vì vấn đề ngôn ngữ hay văn hóa.

Nỗ lực của Việt Nam nhằm ngày càng bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài được thể hiện qua việc không ngừng kiện toàn hệ thống luật, bám sát các tiêu chuẩn quốc tế, và dĩ nhiên là bằng những hành động cụ thể.

Theo qdnd.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here