Chuyện bẫy hổ ly kỳ của “thần nghề” ở Cao Bằng

0
120
Chuyện bẫy hổ ly kỳ của “thần nghề” ở Cao Bằng

…Ông được mệnh danh là “thần nghề” ở vùng đất Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Những câu chuyện về ông đến nay vẫn còn nhiều điều chưa được biết.

Chuyện bẫy hổ ly kỳ của thần nghề ở Cao Bằng - 1

Cối xay bằng đá do ông Nông Ích Đăm chế tác. Ông Nông Ích Đăm được ví như “thần nghề” ở vùng đất Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Vùng quê Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh đang khởi sắc từng ngày. Bản làng dần dần trở thành phố núi, đường nhựa phẳng lì, đủ các loại xe qua lại. Cuộc sống đầy đủ các tiện nghi hiện đại, nhà nào cũng có ti vi, tủ lạnh, bếp ga, bếp điện, xe số, xe ga cùng với các đồ dùng tân tiến, hàng hiệu… 

“Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”, nhớ lại ngày xưa, thời những người thuộc thế hệ 4X ở nơi đây mới thấy được sự đổi thay kỳ diệu này và cũng là lớp người mang nặng nỗi khổ muôn bề thời niên thiếu: Cảm giác đói triền miên, chỉ mong được ăn một bữa cơm no đủ, quần kaki, quần phíp, áo phin là mơ ước của con trai, con gái trong làng. 

Cuộc sống nhà nông, để có ăn, phải cấy lúa, trồng ngô, phát nương trồng sắn, để có mặc phải trồng bông, trồng chàm dệt vải… Đồng thời phải lo bảo vệ cây trồng, vật nuôi do ruộng rẫy liền kề núi đá, nhiều loại thú rừng ăn phá lúa ngô, hổ báo rình bắt trâu bò. Miền quê giáp biên, dân làng phải thường xuyên phòng chống thổ phỉ sang trộm, cướp. 

Vì vậy, cuộc sống của người dân trong vùng Bản Giốc từ xa xưa là tự cung, tự cấp và tự vệ. Từ hoàn cảnh cuộc sống này sinh ra nhu cầu về các loại công cụ lao động, sản xuất, công cụ để bảo vệ và phục vụ cuộc sống, mà cần thứ gì cứ đến nhà ông Nông Ích Đăm ở Bản Gun mua được ngay hoặc đặt làm.

Là nơi biên cương xa xôi, phải đi bộ nửa ngày đường mới đến chợ huyện để mua sắm đồ dùng, mà chưa chắc có đủ các thứ cần mua. 

Cho nên, hầu hết mọi công cụ của nhà nông ở vùng Bản Giốc đều được lấy về từ lò rèn của ông Đăm: Từ con dao, chiếc búa, cuốc thuổng, xẻng, mai, rìu, đục, lưỡi liềm, lưỡi hái, lưỡi câu… 

Điều băn khoăn, không biết là ông Đăm học ở đâu, từ bao giờ mà các đồ dùng bằng sắt được ông rèn thành thép. Ông không chỉ sản xuất ra công cụ mà còn là người hướng dẫn người dân trong vùng biết sử dụng các công cụ đó có hiệu quả cao để phục vụ cho cuộc sống hằng ngày.

Nhu cầu cấp thiết nhất của mọi gia đình người dân là nhà ở. Ngoài yêu cầu chỗ ăn ở, chứa đồ dùng, lương thực…, nhà ở vùng này phải chống được cáo bắt gà, hổ bắt trâu bò và chống được kẻ trộm cướp. Ông Đăm là người vừa thiết kế, vừa thi công, làm thợ cả đo đạc, đục đẽo, lắp dựng các nhà ở đáp ứng yêu cầu trên.

 Không cần bản vẽ, chỉ bằng một cây sào  (thước) dài hơn cột nóc, ông ghi trên cây sào ấy các số đo của ngôi nhà gỗ nghiến 3 tầng: Tầng 1 (trên nền đất) cho trâu bò, lợn, gà, để chứa cày bừa…; tầng 2 (rải ván), người ở; tầng 3 (làm gác) cất thóc, ngô, đỗ… 

Quây tầng 1 bằng các tấm gỗ dày từ 4 – 5 cm xuyên qua hàng cột ngoài cùng, cách nhau 10 cm (bằng nắm đấm), cánh cửa là hai tấm gỗ nghiến dày, rộng trên 50 cm, then chốt chắc chắn để chống thú dữ và trộm cướp.

Ông Đăm là một thợ mộc gia dụng, vừa là thợ đan lát tinh xảo. Vùng núi đá có cây “mạy thì” dóng dài, mắt phẳng, chẻ dễ, ông trồng và lấy về chẻ nan đan cót phơi ngô lúa, nan cật đan cót trải giường nằm mát rượi, bền lâu. Ông đóng hòm, rương cưới cho nhà gái, đóng giường cho nhà trai. Ông đóng quạt hòm để quạt thóc, làm cối xay lúa, máy bật bông…

Chuyện bẫy hổ ly kỳ của thần nghề ở Cao Bằng - 2

Đôi bẫy hổ của ông Nông Ích Đăm, Bản Gun, xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng).

Ông Đăm còn là thợ đục đá nổi tiếng làm cối giã gạo, cối xay để nghiền bột ngô, mạch nấu cháo. Cái khó, đòi hỏi kỹ thuật cao ở việc làm cối xay bằng đá là làm phẳng, nhẵn hai mặt cối rồi phải chia, xẻ rãnh đều đặn… Đồ nghề đục phá đá, tạo hình, xẻ rãnh tự ông rèn lấy. Kỹ thuật làm, tự ông nghĩ ra hay học ở đâu về, không ai biết.

Ông rất ham nghề trên sông nước, đan lưới, đóng bè đánh cá. Trước đây, chưa có sợi nilon như bây giờ, ông trồng cây lá gai, tước vỏ gai se thành sợi, ngâm tẩm lòng trắng trứng gà, trứng vịt để thành sợi săn bền, đan thành các loại lưới, vợt, vó khác nhau để đánh bắt cá. Dân ở ven sông Quây Sơn học theo ông làm nghề chài lưới.

Ông Đăm còn có thú chơi chim họa mi. Ông lấy lông đuôi ngựa làm vòng dây bẫy chim, tự làm lồng nuôi chim. Bẫy được chim, ông lựa chọn, thuần dưỡng thành chim chọi. 

Ông đặc biệt nổi tiếng với nghề đánh bẫy chim trời. Vào mùa xuân, có từng đàn chim lông đen, cổ vàng, mỏ đỏ (to bằng con sáo nhưng thân dài hơn) bay từ phương nam lên phương bắc, tiếng Tày gọi là “nộc kéo”. 

Ông đan một tấm lưới như chài quăng cá, nhưng to, dài hơn 20 m, dùng hai cây sào căng miệng lưới kéo rộng ra hai cây ở hai bên khe núi. Tầm 8 – 9 giờ sáng, đàn chim sẽ bay vào lưới, hai người giữ sào nấp dưới chập hai sào với nhau, đóng miệng lưới lấy chim.

Ông Nông Ích Đăm nay đã thành người thiên cổ, nếu còn sống cũng gần 120 tuổi. Người vùng quê Bản Giốc và các vùng lân cận vẫn luôn kính trọng và nhớ mãi “thần nghề” Nông Ích Đăm.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here