Lương bình quân 7 triệu đồng/tháng, người cao nhất mức hưởng gấp 10

0
85
Lương bình quân 7 triệu đồng/tháng, người cao nhất mức hưởng gấp 10

Lương bình quân hơn 7 triệu đồng/tháng

Đánh giá tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình cho hay, từ ngày 1/7/2022, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố Thái Bình (thuộc vùng III) áp dụng mức lương 3.640.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, mức 3.250.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các huyện còn lại (thuộc vùng IV).

Qua đánh giá, Sở này cho biết mức lương bình quân trả cho người lao động là 7.200.000 đồng/tháng, trong đó tiền lương cao nhất là 70.000.000 đồng/người/tháng.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, nhìn chung các doanh nghiệp đều tuân thủ việc điều chỉnh mức lương tối thiểu theo quy định cho người lao động.

Những đơn vị này tiếp tục thực hiện trả lương cao hơn ít nhất 7% với người lao động được đào tạo nghề; trả lương cho người lao động làm công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5% hay trả lương cho người lao động làm công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 7%.

Căn cứ vào mức lương tối thiểu phân vùng hiện hành, Sở này cho biết, doanh nghiệp đã thỏa thuận với người lao động điều chỉnh các mức lương trong thang, bảng lương phù hợp với công việc họ đang đảm nhận.

Lương bình quân 7 triệu đồng/tháng, người cao nhất mức hưởng gấp 10 - 1

Khảo sát tiền lương tối thiểu đang áp dụng trong doanh nghiệp (Ảnh minh họa: KQ).

Bên cạnh đó, các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện và các chế độ khác theo quy định được giữ nguyên. Việc không bị cắt giảm hoặc xóa bỏ những khoản trên đã góp phần động viên, khích lệ người lao động yên tâm lao động, sản xuất.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tự nguyện trả mức lương tối thiểu cho người lao động cao hơn quy định, phù hợp với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Điển hình mà một chi nhánh công ty giày (ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) đang áp dụng lương tối thiểu là 4.680.000 đồng/người/tháng cao hơn quy định 1.430.000 đồng.

Ngoài ra, trong thỏa ước lao động tập thể giữa chủ sử dụng lao động và tổ chức Công đoàn cơ sở đã thỏa thuận ký kết được những nội dung có lợi hơn cho người lao động như: Trả lương làm ca đêm cao hơn quy định của luật; trả thêm các loại phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ như xăng xe, môi trường, thâm niên, thưởng chuyên cần, ăn ca…; các khoản thưởng khác cho người lao động như thưởng năng suất, thưởng thâm niên.

Điều này giúp tăng năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề, thu hút người lao động, tuyển dụng lao động chất lượng.

Qua rà soát, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình thấy rằng, các doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện việc điều chỉnh mức lương theo mức lương tối thiểu năm 2022 và không có hiện tượng nợ tiền lương của người lao động.

Đối với lương tối thiểu theo giờ, hầu hết các doanh nghiệp không áp dụng việc trả lương tối thiểu theo giờ. Lương tối thiểu theo giờ được áp dụng chủ yếu cho nhân viên phục vụ trong các loại hình kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, quán ăn, quán giải khát, cà phê.

Nhóm lao động này làm công việc bán thời gian, không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản. Chính vì vậy, mức lương giờ phổ biến được trả cho người lao động từ 15.000 – 25.000 đồng/giờ.

Điều chỉnh phân vùng áp dụng lương tối thiểu

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thái Bình đang tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh phân vùng áp dụng mức lương tối thiểu trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, với địa bàn thành phố Thái Bình, đơn vị này đề nghị điều chỉnh từ vùng III (mức lương tối thiểu tháng là 3.640.000 đồng/tháng) lên vùng II (mức lương tối thiểu tháng là 4.160.000 đồng/tháng).

Địa bàn huyện Thái Thụy, Tiền Hải được đề nghị điều chỉnh từ vùng IV (mức lương tối thiểu tháng là 3.250.000 đồng/tháng) lên vùng III. Còn địa bàn các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Hưng Hà được đề nghị giữ nguyên vùng IV.

Trước đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản gửi đến các tỉnh, thành phố đề nghị tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo tháng, theo giờ tại các doanh nghiệp áp dụng từ ngày 1/7/2022.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá việc điều chỉnh phân vùng lương tối thiểu hiện hành. Trường hợp có đề xuất điều chỉnh vùng thì Sở phối hợp với các đơn vị tổ chức trao đổi với Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp (nếu có), các hiệp hội nghề nghiệp, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trên địa bàn, từ đó tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và gửi về Bộ.

Cùng với đó, Bộ cũng yêu cầu các địa phương có đề xuất, kiến nghị về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu áp dụng cho năm 2024 gắn với bối cảnh dự báo.

Trong năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38 về việc tăng lương tối thiểu vùng ngay từ ngày 1/7/2022.

Theo nghị định này, mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng theo 4 vùng gồm:

Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng;

Vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng;

Vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng;

Vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng.

Về mức lương tối thiểu giờ, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here