Không chỉ là câu chuyện ‘Sống trọn vẹn ở Việt Nam’

0
161
Không chỉ là câu chuyện ‘Sống trọn vẹn ở Việt Nam’

“Bản hòa tấu” món ăn Việt

Theo các chuyên gia văn hóa, du lịch, phát triển du lịch tạo nhu cầu, điều kiện và đồng thời cũng đặt ra mục tiêu bảo đảm sự khai thác, sử dụng hiệu quả và hợp lý các giá trị văn hóa bản địa, di sản văn hóa, nguồn lực tài nguyên nhân văn của địa phương.

Với việc mở rộng thị trường khách du lịch, trong đó cơ cấu khách du lịch quốc tế ngày càng đa dạng, hình ảnh tốt đẹp của địa phương, của quốc gia cũng được quảng bá, lan tỏa ra thế giới. Du lịch nói chung và du lịch bền vững nói riêng còn là cầu nối để du khách và người dân bản địa thấu hiểu lẫn nhau. Việc này giúp cho du khách có những trải nghiệm lý thú trong quá trình du lịch và khám phá các nét văn hóa đặc sắc và con người tại địa phương. Đồng thời người dân địa phương cũng qua việc tiếp xúc với khách du lịch để tìm hiểu thêm về văn hóa ở các vùng miền hoặc quốc gia khác nhau.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lối sống riêng khác nhau tạo thành nét cuốn hút riêng. Việt Nam còn có di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng: Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ, hát xoan, hội Gióng, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương… để thu hút khách du lịch. Đặc biệt, dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu khách, đây là một trong những yếu tố hấp dẫn và thiện cảm đối với du khách quốc tế.

Đơn cử, lâu nay, ẩm thực đã trở thành một phần quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu và điểm nhấn ấn tượng để thu hút khách du lịch; gia tăng lợi ích cho đất nước. Bánh mỳ, phở và bún chả của Việt Nam đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao trong du lịch ẩm thực. Nhưng hơn thế, ẩm thực Việt qua mỗi vùng miền là những đặc trưng riêng có…

Không phải ngẫu nhiên bạn bè năm châu khen món ăn Việt Nam ngon, nhiều nhà hàng của người Việt Nam mở ra ở các nước đã thu hút đông đảo thực khách bản xứ. Tại các festival quảng bá văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, gian hàng ẩm thực Việt Nam luôn là một trong những điểm dừng chân hấp dẫn nhất.

Văn hóa ẩm thực đang được khai thác hiệu quả trong hoạt động kinh doanh du lịch, đặc biệt trong các chương trình du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa. Sự độc đáo về nguyên liệu theo chiều dài đất nước, từ vùng núi đến vùng biển, tạo nên một “bản hòa tấu” chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc, khiến du khách quốc tế không thể có một ngày nào nhàm chán trong hành trình tìm hiểu, khám phá Việt Nam.

Tuy nhiên, ẩm thực hiện nay chỉ mang tính chất tự phát, manh mún, chưa quy hoạch cụ thể, chưa có đường đi đúng đắn, chưa được sắp xếp khoa học, chưa có khu phố hay đường phố chuyên phục vụ cho ẩm thực xứng tầm ở những khu du lịch lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu…

Ngoài ra, ẩm thực Việt còn gắn với ẩm thực đường phố nên việc đầu tư còn chưa tập trung, rải rác, tự phát. Trong khi đó, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là trở ngại rất lớn khi cơ sở hạ tầng cho khu vực ẩm thực còn khiêm tốn khiến ẩm thực Việt chưa thể đạt đến sự hoàn hảo. Ở nhiều nơi, các quán bán hàng ăn thức uống không có đăng ký kinh doanh, không đảm bảo an toàn vệ sinh. Các yếu tố đầu vào ở một số quán ăn cũng không rõ ràng nguồn gốc, lấy hàng ở những nơi trôi nổi ảnh hưởng đến chất lượng của món ăn.

Trong khi đó, sức hấp dẫn của ẩm thực Việt Nam toát ra từ sự mộc mạc, dung dị mà đậm đà bởi nhiều nguyên liệu tự nhiên phong phú, sự đam mê của các đầu bếp khi chế biến và quan trọng là có sự kế thừa truyền thống, sáng tạo qua các thời kỳ. Du khách quốc tế yêu thích món ăn Việt bởi sự cân bằng mùi vị và hài hòa về dinh dưỡng, nhiều rau xanh, không chất béo, mỗi món lại có nước chấm riêng biệt theo vùng miền.

Không chỉ là câu chuyện 'Sống trọn vẹn ở Việt Nam' ảnh 1

Chợ phiên Sin Suối Hồ, Lai Châu. (Ảnh: Phương Uyên)

Và những bản làng gây “thương nhớ”

Ở Đồng Văn, Hà Giang có nhiều điểm du lịch theo những bước chân trên đá tai mèo kỳ vĩ. Men theo Quốc lộ 4C – còn được gọi với cái tên “con đường Hạnh phúc”, vượt qua dốc Bắc Sum, vào miền đá xám, du khách có thể đi chơi chợ tình Khâu Vai, thăm kiến trúc nhà Vương, đèo Mã Pì Lèng, cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn…

Đồng Văn với gần 3/4 diện tích là núi đá tai mèo, cộng với địa hình núi cao, khí hậu khắc nghiệt. Ngoài cây lương thực là ngô ra, thì diện tích đất trồng được lúa và những cây hoa màu khác là rất ít. Kỹ thuật canh tác lạc hậu, mỗi năm cũng chỉ có một vụ, nên đời sống của người dân vẫn vô cùng khó khăn.

Năm 2010, khi Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận trở thành Công viên địa chất toàn cầu, du lịch trở thành niềm hy vọng tạo sinh kế thoát nghèo cho người dân.

Điển hình như HTX dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn. Nhờ kết hợp sản xuất và du lịch cộng đồng, đơn vị đang tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho hàng chục hộ dân địa phương. HTX Sà Phìn A hiện chuyên sản xuất các sản phẩm thêu, dệt, nhuộm vải lanh truyền thống, hình thành chuỗi khép kín, tự cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, được nhiều công ty, nhà may thời trang trong nước, nước ngoài như Hà Lan, Đức, Mỹ, Nhật Bản… ưa chuộng.

Về chăn nuôi, người dân bản địa đã có truyền thống chăn nuôi bò, lợn, gia cầm, nuôi ong… Tiêu biểu nhất là bò vàng vùng cao nguyên đá Đồng Văn, huyện đã xây dựng được “chỉ dẫn địa lý sản phẩm thịt bò vàng Hà Giang”.

Trong cây trồng thì ở Đồng Văn có cây tam giác mạch. Cùng với cây lanh là loại cây dễ sống, là nguyên liệu tạo ra sản phẩm thổ cẩm, thêu dệt chất liệu bền và đẹp, khách du lịch rất ưa dùng sản phẩm này. Bên cạnh một vụ ngô, cây lanh chính là loại cây sinh trưởng tốt trên hốc đá.

Sủng Là có Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lũng Cẩm nổi tiếng, với ngôi nhà cổ trên 100 năm là bối cảnh trong bộ phim “Chuyện của Pao”, được nhiều người biết đến và ghé thăm khi có dịp đến cao nguyên đá Đồng Văn.

Ngoài ra, Sủng Là còn có Làng VHCĐDL thôn Lao Xa, cách trung tâm xã khoảng 6km khá đẹp, nổi tiếng với nghề chạm bạc truyền thống của người dân tộc H’Mông. Những nghệ nhân chạm bạc gương mặt đã hằn lên dấu vết của thời gian, những đôi tay vô cùng khéo léo, ngày ngày cần mẫn làm ra những sản phẩm bạc thủ công tinh xảo.

Có thể thấy, trong những năm trở lại đây, du lịch cộng đồng tại Hà Giang đã góp phần tạo cơ hội, việc làm cho người dân, tăng nguồn thu và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tuy nhiên, phải làm sao để di sản đá tai mèo có thể nuôi sống và làm giàu cho người dân bản địa, như người Nhật Bản, người New Zealand hay thậm chí người Thái Lan đã đưa những giá trị bản địa của mình ra thế giới.

Làm sao để những bàn chân, cuộc đời trên núi đá tai mèo kỳ vĩ ở Đồng Văn phải là sản phẩm du lịch riêng có, nhận được những khoản đầu tư đồng bộ, với định hướng phát triển lâu bền và ổn định là những trăn trở còn bỏ ngỏ…

Tại Lai Châu có 11 bản du lịch thì bản Sin Suối Hồ là một trong những điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách với lịch sử hình thành cách đây khoảng 300 năm. Trước đây, Sin Suối Hồ là một bản nhỏ khoảng 100 hộ dân người H’Mông nhưng có đến hơn 80% người nghiện thuốc phiện thì nay đã phát triển thành một điểm du lịch được nhiều du khách ưa thích nhờ cách làm du lịch “có một không hai” của người H’Mông ở vùng núi Tây Bắc.

Mỗi hộ dân là một homestay hoặc bungalow nhưng vẫn giữ được quang cảnh bản làng truyền thống với nhà trình tường, ruộng lúa bậc thang đặc trưng của đồng bào H’Mông. Trong bản, vườn tược, cỏ cây hoa lá, chim muông hài hòa với thiên nhiên khiến du khách cảm thấy như được trở về với núi rừng hoang dã giữa miền sơn cước yên bình.

Đến đây, du khách có thể ở trong những ngôi nhà trên cây, hoặc ở trong những ngôi nhà trình tường của người H’Mông. Còn muốn ăn gì thì liên hệ chủ nhà để họ gợi ý thực đơn phù hợp. Đây là dịp để du khách trải nghiệm văn hóa ẩm thực của dân tộc H’Mông.

Từ năm 2020-2025, bản Sin Suối Hồ tiếp tục phấn đấu tạo ra các sản phẩm du lịch dịch vụ chất lượng như nhà hàng, nhà nghỉ và khôi phục nét văn hóa dân tộc H’Mông như thêu túi, áo và trồng chè cổ thụ, chè dây, táo, mận, lúa, ngô để tận dụng khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ.

Vừa qua, tại Indonesia, điểm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đã vinh dự được nhận Giải thưởng Du lịch ASEAN 2023.

Tổng cục Du lịch đã nhận định nơi nào có dịch vụ ăn uống đặc sắc nơi đó có dấu ấn tốt với du khách. Qua đó tạo niềm tin và giúp họ thỏa mãn nhu cầu khám phá nghệ thuật ẩm thực, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu bình quân và tạo nguồn thu cho địa phương. Bên cạnh đó, với sự phong phú, đa dạng, hài hòa và tinh tế, ẩm thực Việt được coi là di sản văn hóa, là tài nguyên du lịch quý giá.

Do đó, ẩm thực Việt nói chung là một sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Các hoạt động xúc tiến du lịch Việt thời gian qua luôn gắn liền với việc quảng bá văn hóa, ẩm thực khắp các vùng miền của cả nước… Không chỉ khách nước ngoài mà du khách nội địa rất yêu thích những trải nghiệm liên quan đến du lịch ẩm thực. Vì vậy, các đơn vị lữ hành đều chú trọng tạo ra sản phẩm mang đến trải nghiệm chân thực nhất cho du khách như tham gia hội chợ, lễ hội ẩm thực truyền thống ở nhiều vùng miền, làng quê. Hoặc du khách có thể tham gia các lớp nấu ăn, tour du lịch chuyên ẩm thực để khám phá trọn vẹn các món ngon Việt Nam.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here