Những trang sách mang dáng hình người lính

0
104
Những trang sách mang dáng hình người lính

Biên phòng – Trong cảm thức trân trọng và xúc động, tôi đã đọc trọn vẹn 300 trang sách ngồn ngộn hơi thở cuộc sống trong tập phóng sự – ghi chép “Điểm tựa xanh biên cương” của nhà báo Nguyễn Viết Tôn, Phó Trưởng phòng Phóng viên, Báo Tin tức, Thông tấn xã Việt Nam. Có thể nói, đây là một cuốn sách nhiều tư liệu thời sự – chính luận quý, phản ánh thực tiễn những cống hiến của BĐBP – những người chiến sĩ gánh trên vai sứ mệnh quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia suốt hơn 64 năm qua.

Những trang sách mang dáng hình người lính
Nhà báo Nguyễn Viết Tôn (thứ 4 từ phải sang) tham gia sự kiện ra mắt trang thông tin điện tử tuyên truyền về Luật Biên phòng Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn

Là một người lính quân hàm xanh, tôi tự hào về những chiến công của các đơn vị, cá nhân trong BĐBP được nhà báo Nguyễn Viết Tôn phản ánh trong tập sách. Càng tự hào và thấm thía hơn về con đường mà chính tôi đã chọn, đã trải qua trên những nẻo đường biên giới thân yêu.

Qua mỗi trang sách, dễ dàng hình dung và cảm nhận về biết bao đồng chí, đồng đội ngày đêm đạp qua đá sắc, lội qua suối sâu, vượt nắng lửa, tuyết dày, vững vàng, kiên gan nơi địa đầu phên dậu để cùng đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc bảo vệ, dựng xây biên giới hòa bình, ổn định và phát triển. Với 36 bài viết được kết cấu trong 4 phần cụ thể là: “Cuộc chiến với Covid-19”, “Bộ đội Biên phòng với nhân dân biên giới”, “Trên trận chiến chống tội phạm”, “Sự cần thiết của Luật Biên phòng Việt Nam” là những câu chuyện, những vấn đề được nhà báo ghi nhận tại khắp các vùng miền biên cương của Tổ quốc. Hẳn nhà báo Nguyễn Viết Tôn đã phải dành rất nhiều thời gian, công sức để đến với đồng bào các dân tộc nơi biên giới, các đơn vị Biên phòng và vô cùng tâm huyết với mỗi trang viết của mình.

Tính công phu thể hiện ở các mảng đề tài được đề cập, ở những biện giải đầy cảm xúc của tác giả và ở cả “tầm” lý luận thực tiễn của một nhà báo đã dành gần trọn sự nghiệp “thư ký của thời đại” để đến với những nơi gian khó, xa xôi cách trở và thiếu thốn nhất. Theo cảm nhận của tôi, “Điểm tựa xanh biên cương” có tiết tấu nhanh, hành văn mạch lạc, phản ánh các câu chuyện, vấn đề khúc triết như chính phong cách tác nghiệp của nhà báo Nguyễn Viết Tôn. Chi tiết trong mỗi bài bút ký đều rất “đắt”, gần gũi, chân thực và sát, đúng với đời sống của quân dân biên giới hôm nay. Điều đó đã cho thấy sự hiểu biết sâu sắc, sự gắn bó nghĩa tình của nhà báo Nguyễn Viết Tôn đối với biên cương và người lính quân hàm xanh.

Những câu chuyện được kể bằng sự kết hợp giữa tính thời sự của báo chí và cách kể chuyện tỉ mỉ, cảm xúc, chú trọng xây dựng hình tượng, sử dụng bút pháp ẩn dụ và tôn trọng những suy nghĩ nội tâm của nhân vật như người lính Biên phòng, già làng, trưởng bản, cấp ủy, chính quyền địa phương, các “Con nuôi đồn Biên phòng”… để lồng ghép nhiều thông điệp ý nghĩa trong đó. Người đọc được dẫn dụ theo trang viết, theo bước chân nhà báo được trải nghiệm, khám phá non nước biên phòng và làm quen với những con người đầy lý tưởng và hoài bão cách mạng.

Qua ngòi bút của anh, đã giúp người đọc hiểu và thấu cảm hơn về công tác, sinh hoạt, cống hiến của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ BĐBP ở cơ sở qua từng nhiệm vụ cụ thể, từng địa bàn cụ thể. Đặc biệt là giữa đại dịch Covid-19 và trên mặt trận phòng chống tội phạm, vẻ đẹp của sự can trường, quả cảm, tận tụy, hết lòng vì nhân dân của Bộ đội Cụ Hồ đã được tác giả lột tả rõ nét, bằng những chiến công cụ thể, việc làm cụ thể. Các nhân vật được đề cập trong tập sách đều là người thật, việc thật và có tính tiêu biểu, đại diện nên tính phản ánh báo chí cao. Nhà báo Nguyễn Viết Tôn đã dày công xây dựng hình ảnh, miêu tả việc làm, trích dẫn câu nói cô đọng của họ để gieo vào tâm trí người đọc những ấn tượng khó phai mờ để khẳng định điều anh tâm đắc: “Bất cứ nơi đâu nhân dân cần, những chiến sĩ Biên phòng đều có mặt. Các anh chính là tuyến đầu của mọi tuyến đầu”.


Bìa tập phóng sự – ghi chép “Điểm tựa xanh biên cương”. Ảnh: Anh Tuấn

Nhà báo Nguyễn Viết Tôn cũng đã đi đúng “mạch” định hướng tư tưởng và phương châm công tác của BĐBP: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” ở phần 3. Những bài phóng sự, bút ký phần này đã cho thấy tình quân dân trên biên giới giản dị mà biết bao trân quý, cung cấp cho người đọc nhiều biện pháp, công tác vận động quần chúng mang dấu ấn nổi bật của người lính quân hàm xanh. Hay phần “Sự cần thiết của Luật Biên phòng Việt Nam” đã cho thấy tâm huyết và sự thấu hiểu của anh đối với BĐBP và hệ thống văn bản pháp quy đối với vấn đề xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Cuốn sách thực sự là nguồn động viên tinh thần quý giá đối với mỗi người lính Biên phòng, khơi lên niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của lực lượng, về nhiệm vụ thiêng liêng quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; là tài liệu giáo dục chính trị, nâng cao văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị. Đây cũng là tác phẩm giàu giá trị, mang ý nghĩa nhân văn để tuyên truyền đến nhân dân cả nước về những cống hiến của BĐBP trên tuyến đầu Tổ quốc.

“Điểm tựa xanh biên cương” là bức tranh đẹp, là áng văn cảm xúc về biên cương và người chiến sĩ Biên phòng. Trong tình yêu và sự ghi nhận của nhà báo đối với lực lượng BĐBP, chúng tôi là điểm tựa nơi địa đầu phên dậu. Còn với chúng tôi, Tổ quốc, dân tộc chính là điểm tựa ngàn đời. Nhân dân, trong đó có những nhà báo như Nguyễn Viết Tôn đã góp phần tạo nên điểm tựa cho người lính Biên phòng vững vàng nơi rừng sâu, núi cao và biển xa, bảo vệ vẹn toàn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Anh Tuấn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here