Nữ sinh trường Ams trúng tuyển Đại học Johns Hopkins

0
85
Nữ sinh trường Ams trúng tuyển Đại học Johns Hopkins

Bùi Tú Uyên, 18 tuổi, đỗ vào ngôi trường số 1 về đào tạo Kỹ thuật y sinh và top 10 đại học hàng đầu nước Mỹ với bảng thành tích học tập, ngoại khóa dày đặc.

Nữ sinh lớp 12 chuyên Anh 2, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, nói không tin vào mắt mình khi nhìn thấy dòng chữ “Welcome to the class of 2027” từ Đại học Johns Hopkins, hôm 18/3. Năm ngoái, chỉ 6,5% ứng viên được chấp nhận trong số hơn 37.000 hồ sơ nộp vào ngôi trường danh tiếng này.

“Em ôm mặt sung sướng hò reo, bố bên cạnh vỗ tay, mẹ hỏi ‘trường xịn luôn đúng không?’”, Uyên nhớ lại. Mức hỗ trợ tài chính mà nữ sinh nhận được là 15%.

Từng giành nhiều thành tích trong học tập, là nghệ sĩ biểu diễn ở Dàn nhạc giao hưởng trẻ quốc gia, song theo lời Uyên, hành trình tìm ra hướng đi của em không dễ dàng.

Tú Uyên tại Geneva, Thụy Sĩ, hồi tháng 6/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tú Uyên tại Geneva, Thụy Sĩ, hồi tháng 6/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngày học tiểu học, Tú Uyên tham gia nhiều cuộc thi học sinh giỏi Toán, tiếng Anh và Tin học. Nhờ một giải nhất Toán trên mạng cấp thành phố, nữ sinh có tấm vé vào học cấp hai của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Tuy nhiên, theo đuổi định hướng chuyên Toán đến hết lớp 7, Uyên nhận thấy năng lực của mình không tốt như trước nên chuyển sang học chuyên tiếng Anh. Năm lớp 9, em đạt giải nhì cấp quận và giải ba thành phố môn học này.

Trước đó, nữ sinh cũng đỗ thủ khoa đầu vào hệ trung cấp chuyên ngành Violin tại Học viện Âm nhạc quốc gia, biểu diễn trong Dàn nhạc giao hưởng trẻ Việt Nam từ cuối năm 2019.

Cô Bùi Thanh Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 9D trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, năm 2020 đã viết trong lưu bút rằng “khâm phục Uyên” vì em “rất tài năng và năng động”.

Trúng tuyển vào lớp 10 chuyên Anh trường Ams nhưng Uyên một lần nữa chuyển hướng. Nữ sinh nhìn nhận tiếng Anh sẽ chỉ là công cụ hỗ trợ, không phải là con đường chuyên sâu em lựa chọn. Em quyết định trải nghiệm thêm nhiều lĩnh vực khác nhau qua các hoạt động ngoại khóa về nhiếp ảnh, truyền thông, âm nhạc.

Nhưng cũng vì thế Uyên phân vân giữa việc theo đuổi ngành âm nhạc hay lĩnh vực STEM (Khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) ở bậc đại học.

Tú Uyên và nghệ sĩ violin Bùi Công Duy tại một buổi hòa nhạc, hồi tháng 6/2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tú Uyên và nghệ sĩ violin Bùi Công Duy tại một buổi hòa nhạc, hồi tháng 6/2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bước ngoặt đến với Uyên vào cuối năm lớp 10. Khi tổ chức một hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ các bác sĩ khám bệnh, cấp phát thuốc cho người nghèo và phụ nữ nông thôn ở huyện Ý Yên, Nam Định, Uyên cảm thấy hứng thú với lĩnh vực y học. Trở về nhà, nữ sinh tự nghiên cứu môn Sinh học theo giáo trình AP (chương trình dự bị đại học dành cho học sinh THPT của Mỹ) và tham gia nhóm nghiên cứu dữ liệu gen ung thư vú của trường Đại học Dược Hà Nội với vai trò hỗ trợ kỹ thuật tin học.

Cùng thời gian này, Uyên và hai người bạn nảy ra ý tưởng về sản phẩm băng vệ sinh tự phân huỷ, chưa từng có trên thị trường Việt Nam. Giữa lúc chưa tìm được vật liệu, cả nhóm nghe tin về chiến dịch “giải cứu Thanh long” vì không xuất khẩu được giữa dịch Covid-19. Được bố mẹ là dược sĩ hỗ trợ, Uyên và các bạn mày mò nghiên cứu, phát hiện vỏ thanh long có khả năng thấm hút cao hơn vỏ chanh hay vỏ cam và có chất chống nước.

Nhóm nữ sinh sau đó thành lập công ty Adorbsy để nghiên cứu sản xuất. Uyên đóng vai trò nhà sáng lập kiêm giám đốc kỹ thuật.

Tháng 3/2022, nhóm mang dự án tham gia cuộc thi sáng chế bảo vệ môi trường “The Earth Prize 2022” ở Thụy Sĩ và giành giải nhất kèm phần thưởng 100.000 USD (2,3 tỷ đồng). Sau đó một tháng, các em lại chiến thắng cuộc thi sáng chế khoa học “Conrad Challenge 2022” tại Mỹ, vượt qua hơn 900 dự án khác.

Tú Uyên (đeo kính) và hai bạn thuyết trình về dự án băng vệ sinh bằng vỏ thanh long tại hội nghị môi trường Villars Symposium ở Thụy Sĩ, hồi tháng 6/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tú Uyên (đeo kính) và hai bạn thuyết trình về dự án băng vệ sinh bằng vỏ thanh long tại hội nghị môi trường Villars Symposium ở Thụy Sĩ, hồi tháng 6/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tìm thấy đam mê và được bố mẹ ủng hộ, Uyên có định hướng rõ ràng là sẽ theo đuổi ngành Kỹ thuật y sinh khi làm hồ sơ du học Mỹ.

Uyên nói em dũng cảm nộp hồ sơ vào Johns Hopkins vì có bề dày thành tích học tập, nghiên cứu và ngoại khóa. Điểm trung bình học tập của nữ sinh năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 lần lượt là 9,2; 9,5; 9,7. Ngoài ra, Uyên có chứng chỉ IELTS 8.0.

Theo nữ sinh, sản phẩm băng vệ sinh làm từ vỏ thanh long và dự án hỗ trợ nghiên cứu dữ liệu gen ung thư vú là hai điểm sáng giúp em chứng tỏ nền tảng nghiên cứu, tiềm năng theo đuổi ngành Kỹ thuật y sinh.

Uyên dành 6 tháng để hoàn thành bài luận chính. Em viết về những thử nghiệm khác nhau trong suốt những năm cấp 2, cấp 3 để “tìm kiếm bản thân mình”. Nữ sinh cũng nhắc về mẹ, người đã tạo động lực lớn để em theo đuổi lĩnh vực này.

Trong bài luận phụ 400 từ, Uyên kể những trải nghiệm mà em nhận được sau chương trình khám sức khỏe cho phụ nữ ở Nam Định. “Em nhận ra rằng giáo dục và nghiên cứu chính là tiền đề cho những phát triển trong dịch vụ y tế ở nông thôn nói riêng và toàn thế giới nói chung”, Uyên viết.

Chị Hà, mẹ của Uyên cho biết con gái có cá tính mạnh. Khi quyết tâm làm gì, Uyên sẽ nghiêm túc bỏ thời gian, công sức theo đuổi.

Vì lịch trình dày đặc, phải di chuyển nhiều khi học cùng lúc hai trường và tham gia nhiều dự án, hoạt động ngoại khóa, Uyên đã xin bố mẹ tự đi xe máy cho thuận tiện. Nữ sinh sắp xếp thời gian biểu chặt chẽ, đôi khi phải xin nghỉ một số tiết học trên lớp để thi ở nhạc viện, rồi tiếp tục ôn bài và thi ở trường Ams. Sau khoảng ba năm với lịch trình hối hả này, Uyên rèn được tính kỷ luật cũng như cách quản lý thời gian, ưu tiên việc quan trọng và chạy kế hoạch dưới áp lực.

“Con không ngại bước ra khỏi vùng an toàn và thử sức với những điều mới, ngay cả khi bố mẹ còn không biết con đã tìm ra sở thích ấy ở đâu và lớn dần với đam mê ấy như nào”, chị Hà chia sẻ.

Uyên phải bảo lưu việc học ở Nhạc viện khi lên đường du học. Em nhận định ngoài việc học, Đại học Johns Hopkins với cơ sở vật chất hiện đại và mạng lưới rộng khắp còn có thể giúp em phát triển dự án sản xuất băng vệ sinh từ vỏ thanh long. Về lâu dài, em muốn trở thành kỹ sư y sinh, nghiên cứu hệ gen và có công ty riêng về công nghệ sinh học, hướng tới chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, trong đó có phụ nữ mắc ung thư vú, ung thư cổ tử cung.

Hãy dám mơ lớn và hết mình vì đam mê để thể hiện bản sắc một cách rõ ràng, nhiệt huyết”, Uyên nói.

Lệ Thu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here