Vì sao chưa thể xử lý hình sự 80 đơn vị nợ BHXH ở TPHCM?

0
137
Vì sao chưa thể xử lý hình sự 80 đơn vị nợ BHXH ở TPHCM?

Cần xử lý án điểm

Ngày 21/3, Liên đoàn Lao động TPHCM (LĐLĐ TPHCM) tổ chức hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi Luật BHXH. Hội nghị thu hút 11 lượt phát biểu góp ý trực tiếp tại hội trường thì có đến 7 đại biểu góp ý trực tiếp cho điều 43, 44 của dự thảo luật điều chỉnh hành vi trốn đóng BHXH.

Vì sao chưa thể xử lý hình sự 80 đơn vị nợ BHXH ở TPHCM? - 1

LĐLĐ TPHCM tổ chức hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi Luật BHXH (Ảnh: Tùng Nguyên).

Tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Minh, LĐLĐ huyện Hóc Môn bày tỏ bức xúc trước tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH của người lao động (NLĐ) rồi bỏ trốn, gây ảnh hưởng lâu dài đến quyền lợi của NLĐ mà cơ quan chức năng chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm.

Ông Minh cho biết, trên địa bàn Hóc Môn có nhiều công nhân nằm trong hoàn cảnh chủ doanh nghiệp bỏ trốn, BHXH huyện đã chốt thời gian BHXH cho họ, công nhân cũng đồng ý là bỏ khoảng thời gian họ đã đóng BHXH tại doanh nghiệp này. Sau đó, công nhân đi làm ở nơi khác, tiếp tục đóng BHXH bình thường nhưng khi rút BHXH một lần thì không được vì có một khoảng thời gian nợ BHXH.

Ông Minh bức xúc: “BHXH giải thích là muốn nhận BHXH một lần thì phải có quyết định phá sản của doanh nghiệp đó. Ông chủ bỏ trốn rồi thì làm sao mà có quyết định phá sản? Nhiều người đóng BHXH mười mấy năm mà giờ không có quyền lợi gì!”.

Đồng tình với ý kiến của ông Minh, ông Nguyễn Đình Cường, Phó chủ tịch LĐLĐ thành phố Thủ Đức, cho biết tình trạng nợ, chậm đóng BHXH đang xảy ra phổ biến. Ông đề nghị phải có cách đòi lại quyền lợi BHXH cho người lao động.

Theo ông Nguyễn Đình Cường, luật Hình sự đã bổ sung tội danh liên quan đến hành vi trốn đóng BHXH nhưng cho đến nay chưa có một vụ án nào được xử lý. Do đó, ông kiến nghị nên có vụ án xử lý điểm để cảnh tỉnh các doanh nghiệp cố tình nợ đóng, chậm đóng BHXH để bảo vệ quyền lợi người lao động.

Vì sao chưa thể xử lý hình sự 80 đơn vị nợ BHXH ở TPHCM? - 2

Ông Nguyễn Duy Minh bức xúc trước tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH của NLĐ rồi bỏ trốn (Ảnh: Tùng Nguyên).

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch LĐLĐ TPHCM cho biết, lãnh đạo thành phố cũng rất quan tâm đến việc này. Các ban ngành thành phố từng ngồi lại bàn bạc về việc xử lý hơn 80 hồ sơ nợ BHXH đề nghị xử lý hình sự do BHXH thành phố đưa qua nhưng không xử lý được trường hợp nào.

Theo ông Tâm, nguyên nhân là do luật pháp chưa đầy đủ, không đồng bộ nên chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự. Lãnh đạo UBND thành phố cũng đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan tiếp tục bàn thảo, tìm biện pháp giải quyết, xử lý hình sự các trường hợp cố tình vi phạm.

Cần quy định trách nhiệm của cơ quan BHXH

Góp ý tại hội nghị, nhiều đại biểu đánh giá các điều 43, 44 trong dự thảo luật BHXH đang mở ra một hướng mới để có thể xử lý hình sự các hành vi trốn đóng BHXH, đòi lại quyền lợi cho người lao động. Do đó, cần rà soát kỹ, quy định chặt chẽ các nội dung điều chỉnh hành vi trốn đóng BHXH để đảm bảo các quy trình pháp lý phù hợp làm căn cứ xử lý hình sự.

Luật gia Dương Văn Thuận, Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM, đề nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan BHXH trong trường hợp này và quy định rõ trách nhiệm của cơ quan này trong dự thảo luật. Bởi cơ quan BHXH được pháp luật giao trách nhiệm tổ chức thực hiện thu, chi BHXH, giải quyết chế độ BHXH…

Quyền của người lao động được pháp luật quy định là được nhận các chế độ BHXH đầy đủ và thuận tiện. Khi lợi ích hợp pháp của người lao động bị xâm phạm vì lý do doanh nghiệp chậm đóng, nợ BHXH là trách nhiệm của cơ quan BHXH. Lúc này, người lao động có thể khởi kiện, hoặc ủy quyền cho cơ quan đại diện người lao động khởi kiện cơ quan BHXH.

Theo ông, để xảy ra tình trạng nợ BHXH thì cơ quan BHXH phải có trách nhiệm giải quyết quyền lợi BHXH cho người lao động. Sau đó, cơ quan BHXH mới đi kiện doanh nghiệp để đòi lại tiền BHXH mà doanh nghiệp chưa nộp vì cơ quan BHXH mới là đơn vị quản lý thu, chi nguồn tiền trên.

Vì sao chưa thể xử lý hình sự 80 đơn vị nợ BHXH ở TPHCM? - 3

Luật gia Dương Văn Thuận góp ý tại hội nghị (Ảnh: Tùng Nguyên).

Bà Ung Thị Xuân Hương, Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cũng đồng tình với ý kiến cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan BHXH trong trường hợp doanh nghiệp nợ BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Theo bà, Điều 16 dự thảo luật quy định trách nhiệm của cơ quan BHXH với 17 khoản nhưng chưa đủ.

Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM đề nghị bổ sung thêm cho cơ quan BHXH trách nhiệm theo dõi, giám sát việc nộp BHXH của doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý để kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Bà nói: “Nếu chúng ta phát hiện kịp thời, xử lý liền thì không để xảy ra tình trạng nợ BHXH kéo dài. Để kéo dài tháng này qua tháng khác, năm này qua năm nọ, việc càng khó xử lý”.

Ngoài vấn đề xử lý doanh nghiệp trốn đóng BHXH, các đại biểu còn góp ý nhiều điều khoản liên quan đến việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, giảm thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện lãnh lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, tăng cường quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện, 2 phương án khi rút BHXH một lần…

Trong đó, quy định giảm thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện lãnh lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm được nhiều đại biểu đến từ các doanh nghiệp lớn quan tâm.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam lo ngại, quy định này được thông qua có thể rất nhiều người lao động sẽ nghỉ việc để rút BHXH một lần, gây xáo trộn hoạt động của doanh nghiệp.

Ông cho rằng, công nhân thu nhập thấp, thường không có tích lũy nên họ xem BHXH như một khoản tiết kiệm dự phòng, khi cần số tiền lớn sẽ rút BHXH một lần. Việc giảm số năm đóng khó ngăn được công nhân rút BHXH một lần.

Bà Nguyễn Thị Phát, Chủ tịch công đoàn công ty TNHH Nikkiso Việt Nam cũng chia sẻ lo ngại. Theo bà, công nhân có rất nhiều cách để lách quy định rút BHXH một lần. Điều quan trọng là làm sao cho người lao động thấy được lợi ích khi hưởng hưu trí, thấy lợi ích thật sự thì họ sẽ tích lũy BHXH chứ không ai muốn rút một lần.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here