Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình lý giải về việc rao bán khách sạn dát vàng

0
77
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình lý giải về việc rao bán khách sạn dát vàng

Khó chồng khó…

Để hiện thực hóa ý tưởng xây dựng các khu nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng cán bộ, công nhân viên có thu nhập thấp, đặc biệt là xây dựng TTTM quy mô lớn miễn thuế, Tập đoàn Hòa Bình đã đẩy nhanh quá trình làm hồ sơ cấp phép và chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai dự án. “Vậy nhưng đến nay, sau gần chục năm chờ đợi, dự án TTTM vẫn nằm trên giấy; Dự án khu NƠXH dành cho cán bộ công nhân viên cũng chưa được cơ quan chức năng phê duyệt” – ông chủ khách sạn dát vàng cho hay.

Chia sẻ về ý nghĩa của hai dự án này, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình cho biết: Với dự án xây dựng TTTM, khi TTTM này ra đời sẽ là nơi bán hàng với giá thấp nhất thế giới, đặc biệt trong TTTM, chúng tôi đề nghị các người bán hàng phải mua bảo hiểm cho hàng hoá cũng như đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Khi đó, người dân không chỉ yên tâm mà chủ kinh doanh không phải mất chi phí cho việc quảng cáo sản phẩm vì đã có bảo hiểm lo, nếu sai bảo hiểm phải đền. Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, các doanh nghiệp phải thắt chặt chi tiêu, đây sẽ là giải pháp tốt nhất cho họ.

“Nếu làm được điều đó, chúng ta cũng sẽ thúc đẩy nền du lịch phát triển, như yêu cầu và mong muốn của Đảng và Chính phủ về phát triển du lịch thành nền kinh tế mũi nhọn. Không chỉ thế, dự án còn tạo việc làm, thu nhập cho hàng triệu người dân. Quan trọng nhất, chúng ta sẽ tự chủ về tài chính, thúc đẩy phát triển thương mại, điều tiết được sản xuất…” – ông Đường khẳng định.

Còn đối với dự án xây dựng NƠXH, người đứng đầu Tập đoàn Hòa Bình chia sẻ: “Thực tế, Đảng và Nhà nước đều khẳng định: Làm NƠXH là đạo đức của hệ thống chính trị và luôn khuyến khích “mở lối” cho lĩnh vực này phát triển, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp có nơi để ở và ổn định cuộc sống. Vậy nhưng, chúng tôi đã nộp hồ sơ dự án NƠXH đến cơ quan chức năng và kiến nghị đẩy nhanh việc cấp phép nhưng đến bây giờ vẫn chưa được giải quyết”.

Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình: Doanh nghiệp của ông có hai lĩnh vực hoạt động chính là: Xây dựng và kinh doanh khách sạn. Về lĩnh vực kinh doanh khách sạn, do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm 2021 – 2022 doanh thu từ việc kinh doanh khách sạn của tập đoàn đã bắt đầu đi xuống, năm 2023 còn xấu hơn. Đối với mảng xây dựng của doanh nghiệp cũng vậy, năm 2022 – 2023 gần như mọi hoạt động đều phải dừng lại hết.

“Đầu năm 2022, chúng tôi đã có dự án xây dựng NƠXH tại 393 Lĩnh Nam và 468 Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội nhưng vẫn chưa được cấp giấy phép đầu tư. Vì trở ngại trên và nhiều khó khăn khác, chúng tôi đành phải giao bán Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake” – chủ khách sạn dát vàng tiết lộ.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình lý giải về việc rao bán khách sạn dát vàng ảnh 1

Khách sạn Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake.

Khách sạn hiếm có

Lãnh đạo Tập đoàn Hòa Bình trải lòng: Đáng ra, chúng tôi định bán khách sạn trong Đà Nẵng nhưng khách hàng không mặn mà lắm bởi họ muốn mua Khách sạn Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake. Giá trị của khách sạn này đối với Việt Nam không quá lớn cũng như chưa được nhiều người quan tâm, nhưng với thế giới đây là một tài sản hiếm có.

Ông cũng cho hay, để làm được khách sạn này, doanh nghiệp đã phải huy động đội ngũ chuyên gia của các nước có nền kiến trúc, xây dựng phát triển như: Pháp, Ý, Đức, Bỉ, Nhật Bản, Hồng Kông… Theo đó, vàng được mạ trên tất cả các chất liệu, rồi cả ẩm thực cũng vậy. Món ăn nào (món ăn châu Âu, châu Á…) đều được phủ vàng.

Thời điểm khách sạn dát vàng mới khai trương, nhất là khi mở ra món bò dát vàng, có đến 90% người lao động, lương 5 – 6 triệu đã được thưởng thức các món ăn, đồ uống dát vàng, được chụp ảnh tại một khách sạn sang trọng, nổi tiếng thế giới với giá rất bình dân. Trong khi đó tại Dubai, khách hàng phải mất 150 USD, dù chỉ vào đó uống một ly trà, hoặc ăn cái bánh.

“Theo tôi, các công ty nước ngoài nếu mua khách sạn này họ sẽ phải tăng giá gấp ba lần để bảo vệ thương hiệu khách sạn số 1 thế giới. Điều mà tôi cảm thấy tiếc nuối nhất là tới đây người dân Việt Nam, nhất là các thế hệ sau này sẽ khó có điều kiện tiếp cận khách sạn với giá bình dân. Tuy nhiên, trước mắt để giải quyết vấn đề tài chính cho doanh nghiệp cũng như có điều kiện xây dựng TTTM – tâm huyết, mục đích lớn nhất của cuộc đời, tôi đành phải bán đi khách sạn này vì thời gian của tôi không còn nhiều” – doanh nhân Nguyễn Hữu Đường buồn bã cho biết.

Ông Đường cũng chia sẻ, rất nhiều người nói với ông rằng: tại sao, ông cứ phải đằng đẵng, mệt mỏi theo đuổi việc xây dựng TTTM? Ông chỉ nói: “Ai không thích tôi cũng được, nhưng nếu tôi không xây dựng TTTM, đất nước khó lòng phát triển. Thêm vào đó, dự báo, dân số Việt Nam đến năm 2038 sẽ bước vào thời kỳ dân số già, khi đó các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không còn muốn đầu tư nữa. Đây là một vấn đề chúng ta cần phải lưu ý.

Đối với bản thân, ông luôn tâm niệm: “Còn một hơi thở tôi vẫn đề nghị làm TTTM. Tất nhiên sẽ còn rất nhiều khó khăn nhưng tôi tin với tâm huyết, nỗ lực và sự cố gắng của mình, cũng như sự ủng hộ của các lãnh đạo đầy tâm đức, trong năm 2023 đề án TTTM sẽ được thực hiện!”.

Đối với việc rao bán khách sạn, Tập đoàn Hòa Bình đã gửi hồ sơ giới thiệu về khách sạn cho một công ty lớn bên Pháp để làm thủ tục đấu giá. Dự kiến cuối tháng 4, đại diện doanh nghiệp đó sẽ sang Việt Nam xem xét và quyết định về giá. Với những giá trị đặc biệt và duy nhất của khách sạn, chủ khách sạn dát vàng cũng như toàn thể cán bộ, nhân viên của mình tin rằng khách sạn sẽ bán được với giá tương xứng.

Vân Trang

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here