Lão nông sống khỏe, đút túi hàng trăm triệu đồng nhờ trồng thanh trà ngọt

0
79
Lão nông sống khỏe, đút túi hàng trăm triệu đồng nhờ trồng thanh trà ngọt

Cây thanh trà có nguồn gốc ở Hà Tiên (Kiên Giang). 70 – 80 năm trước, loại cây này được người dân ngụ tại thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) đem về trồng và thanh trà trở thành trái cây đặc trưng của địa phương. 

Lão nông sống khỏe, kiếm hàng trăm triệu đồng với giống thanh trà ngọt (Clip: Bảo Kỳ).

Hằng năm, cứ ra Giêng, dọc các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 54 có hàng chục sạp bày bán thanh trà. Trái thanh trà màu vàng cam, to tròn như trứng gà được cột thành từng chùm bắt mắt, thu hút người qua lại. Với mức giá từ 30.000-50.000 đồng/kg, người dân có thể thưởng thức hương vị thơm ngon, chua chua, ngọt ngọt của thanh trà. 

Tuy nhiên ông Năm Cập tên đầy đủ là Huỳnh Văn Cập (58 tuổi, Giám đốc HTX thanh trà ngọt Đông Thành, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) lại lai tạo ra loại giống thanh trà ngọt với nhiều ưu điểm về sản lượng lẫn chất lượng, thành công hơn những người trồng thanh trà ngọt trước đó.

Lão nông sống khỏe, đút túi hàng trăm triệu đồng nhờ trồng thanh trà ngọt - 1

Ông Cập sưu tầm nhiều giống thanh trà ngọt, sau khi trồng thử nghiệm mới tuyển được loại thanh trà hiện tại.

Ông Năm Cập cho biết, thời trước ông từng trồng thanh trà thường (loại trái chua), nhưng vì quá nhiều người trồng loại trái cây này nên phải cạnh tranh giá cả, thị trường, lợi nhuận thường không cao.

Cách đây 12 năm, ông săn lùng giống thanh trà ngọt ở tất cả các vườn tại thị xã Bình Minh, tình cờ phát hiện được một giống thanh trà ngọt sai trĩu quả, không bỏ mùa. 

“Lần mò tìm được một số giống thanh trà ngọt ở các hộ trồng lâu năm. Tôi đem ít giống về trồng thử, sau 3 năm thấy được ưu, nhược điểm của từng loại rồi tôi mới lai tạo, phát triển giống thanh trà ngọt, trái lớn như bây giờ”, ông Năm nói. 

Lão nông sống khỏe, đút túi hàng trăm triệu đồng nhờ trồng thanh trà ngọt - 2

Loại này trái to gấp đôi thanh trà ngọt cổ xưa, vị ngọt tựa xoài cát.

Lúc đó, ông Năm Cập có tới mười mấy công đất trồng thanh trà chua nhưng vì lỡ “mê” thanh trà ngọt, ông quyết định đốn hết, xen giống mới vào. Nhiều năm canh tác, lão nông nhận thấy giống thanh trà mới có nhiều ưu điểm như trái to, năng suất cao và không bỏ mùa. Thông thường, một số loại thanh trà ngọt khác cứ có trái một vụ thì “nín” 2-3 vụ mới trổ bông tiếp. 

“Trồng 3 năm thì thanh trà cho trái vụ đầu. Mùa vụ bắt đầu từ tháng Giêng đến giữa tháng 3 âm lịch. Sản lượng trái tăng dần theo tuổi cây. Từ năm thứ chín, mỗi cây cho từ 50-70 kg trái”, lão nông U60 cho hay. 

Lão nông sống khỏe, đút túi hàng trăm triệu đồng nhờ trồng thanh trà ngọt - 3

Những giống thanh trà ngọt được ông Cập cất công tìm kiếm suốt nhiều năm qua.

Về trọng lượng, thanh trà của ông Năm Cập dao động 19-21 trái/kg, nặng gấp đôi so với loại thanh trà cổ xưa. Ngoài ra, trái cây còn có ưu điểm về mùi thơm, vị ngọt và ít xơ. 

“Người ta thấy tôi trồng được giống thanh trà ngọt nên cứ hỏi mua giống. Thế là tôi tìm tòi cách nhân giống. Ban đầu tôi chiết nhưng cây chiết rất dễ chết. Sau đó tôi chuyển sang ươm hạt thanh trà, đợi cây lớn thì lấy nhánh từ thanh trà đầu dòng ghép vào. Toàn bộ quá trình mất khoảng 2 năm mới được một cây giống”, ông Năm Cập chia sẻ cách làm thanh trà giống. 

Lão nông sống khỏe, đút túi hàng trăm triệu đồng nhờ trồng thanh trà ngọt - 4

Năng suất thanh trà ngọt của ông Cập rất cao, từ 50-70kg quả/cây. Những cây 12 năm tuổi cho tới hơn 90kg trái.

Sau khi nhân giống thành công, ông bắt đầu chia sẻ với người dân trong vùng trồng, đồng thời đăng ký và được Sở NNPTNT Vĩnh Long chứng nhận vườn cây đầu dòng và cây giống thanh trà ngọt đầu dòng với sản lượng 90.000 cây giống/năm.

Hiện với 500 gốc thanh trà, mỗi năm ông Cập thu hoạch hơn 3 tấn trái. Với giá bán từ 120.000 đồng/kg, ông lãi trên 300 triệu đồng. 

Ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông Cập còn tích cực nhân giống thanh trà cung cấp cho xã viên, nông dân các nơi. Ông hy vọng mô hình vườn thanh trà ngọt này sẽ có được đề án canh tác xuất khẩu như nhiều loại nông sản khác. 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here