Hạnh phúc của những bác sĩ mũ nồi xanh nơi xứ người

0
67
Hạnh phúc của những bác sĩ mũ nồi xanh nơi xứ người

Hành trình đầy tự hào nơi xứ người

Nhiều năm trở lại đây, biểu tượng mũ nồi xanh có lẽ không còn quá xa lạ với người dân Việt Nam. Nhất là khi những thông tin về hành trình đầy tự hào nơi xứ người của họ được chia sẻ trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng. Theo đó, “mũ nồi xanh” là tên gọi khác của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc (LHQ) vì những người chiến sĩ tham gia lực lượng này đội chiếc mũ nồi màu xanh quen thuộc, biểu trưng cho hòa bình.

Đặc biệt, trong lực lượng trên, ngoài các cán bộ, chiến sĩ tham gia vào công cuộc bảo vệ hoà bình thì bên cạnh đó còn có một bộ phận với sứ mệnh mang tên chữa bệnh cứu người. Đó chính là các cán bộ, y, bác sĩ đã và đang thực hiện nhiệm vụ nhân ái nơi xứ người.

Tháng 6/2014, 2 sĩ quan Việt Nam đầu tiên được cử đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan, đánh dấu Việt Nam chính thức tham gia lực lượng mũ nồi xanh LHQ. Bốn năm sau, Việt Nam tổ chức bệnh viện dã chiến đầu tiên – Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 (BVDC cấp 2.1). Năm 2017 cũng là dấu mốc những bác sĩ đầu tiên của Việt Nam tham gia Lực lượng giữ gìn hòa bình của LHQ ở Nam Sudan. Để sẵn sàng nhận nhiệm vụ, những y, bác sĩ phải trải qua các khóa huấn luyện khắc nghiệt từ các chuyên gia nước ngoài, không có sự phân biệt nam – nữ. Bởi so với điều kiện cơ sở vật chất, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt tại quốc gia châu Phi này, khi có lúc nhiệt độ có thể lên đến 40 – 45 độ C, thì các quân nhân đều phải vững tâm “ngày hôm nay thao trường đổ mồ hôi, ngày mai chiến trường ít đổ máu”. Trong số các thế hệ y, bác sĩ mũ nồi xanh nhận nhiệm vụ tại quốc gia châu Phi này, có rất nhiều cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế là nữ.

Ngoài yếu tố chuyên môn, các y, bác sĩ còn phải vượt qua những bài kiểm tra tiếng Anh gắt gao. Mục tiêu của họ là có thể sử dụng ngôn ngữ này thành thạo để trực tiếp trao đổi với bệnh nhân, chuyên gia nước ngoài. Bên cạnh đó, các y, bác sĩ phải học nhiều môn phụ khác như nguyên tắc căn bản trong ứng xử của LHQ, văn hóa, tôn giáo, chính sách liên quan thực địa. Đặc biệt, kỹ năng sinh tồn trong môi trường địa lý, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh được ưu tiên huấn luyện thuần thục. Điển hình như kỹ năng xử lý khi bị cầy mangut, rắn độc, thổ dân bản địa tấn công, cách tự cứu mình trong cơn đói khát khi ở sa mạc…

Năm 24/3/2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên thế giới, các cán bộ chiến sĩ BVDC cấp 2.3 đã lên máy bay sang Cộng hòa Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ. Trung tá Trịnh Mỹ Hòa – Giám đốc BVDC cấp 2.3 chia sẻ: “Mỗi cán bộ, nhân viên y tế của đơn vị đều có hoàn cảnh rất đặc biệt. Họ đều cố gắng gác lại mọi việc dang dở để tập trung tốt nhất cho nhiệm vụ quốc tế. Có người bận rộn với con cái, cha mẹ già yếu. Có đồng chí vợ đang mang thai sắp đến ngày sinh và cả những người đã đi đợt một vẫn xung phong tiếp tục trở lại Nam Sudan”.

Đối với bản thân Trung tá Trịnh Mỹ Hòa, xuất thân là bác sĩ nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, bà mang trong mình tràn đầy tâm huyết từ trong nước cho đến Bentiu nỗ lực quảng bá không mệt mỏi về châm cứu đất Việt tại Nam Sudan.

“BVDC 2.3 kế thừa thành tích và kinh nghiệm từ 2 bệnh viện đi trước, có đội hình trẻ nhất, tuổi trung bình chỉ 34, nên tính dám làm, dám nghĩ, sáng tạo rất cao. Nhiều kỹ thuật lần đầu tiên được BVDC 2.3 áp dụng hiệu quả, trong đó đáng chú ý nhất là giới thiệu cho bạn bè thế giới nền y học cổ truyền Việt Nam kết hợp vật lý trị liệu hiện đại”, nữ Trung tá chia sẻ.

Phương pháp điều trị quen thuộc ở Việt Nam đã theo các y, bác sĩ mũ nồi xanh đi hàng nghìn kilômét tới Tây bán cầu đã góp phần điều trị thành công cho bạn bè từ khắp các châu lục hội tụ ở Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Trong đó có cả những lãnh đạo cấp cao LHQ tại Phái bộ Nam Sudan, cũng như người dân sở tại. Đặc biệt, lần đầu tiên BVDC của Việt Nam triển khai kỹ thuật châm cứu ở Nam Sudan điều trị thành công cho 2 sĩ quan Mông Cổ bị liệt mặt do tổn thương dây thần kinh 7 ngoại biên, tài hoa của quân y Việt Nam lan toả khắp Bentiu và vượt xa hàng nghìn kilômét, tới tận Thủ đô Juba. Sau này, nhiều bạn bè quốc tế trực tiếp đề nghị châm cứu – vật lý trị liệu khi tìm đến BVDC 2.3 Việt Nam.

Hạnh phúc là được cống hiến và sẻ chia

Trong đội hình BVDC 2.3 Việt Nam ra tiền tuyến thực hiện sứ mệnh vẻ vang, có Thiếu uý Lê Na (quê Bến Tre) lúc bấy giờ 25 tuổi, được coi là người trẻ tuổi nhất và cũng là nữ quân nhân đầu tiên của vùng đất Tây Nam Bộ tham gia lực lượng. Vừa tốt nghiệp Đại học Y dược TP HCM chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh, Lê Na nộp đơn xin công tác tại Bệnh viện Quân y 175. Sau đó nhờ đạt kết quả cao trong kỳ thi, cô được tuyển chọn huấn luyện trong đội hình BVDC. Ở tuổi 25, Lê Na bắt đầu khóa huấn luyện chuyên nghiệp, “ăn bụi ngủ rừng” với cuộc sống dã chiến đúng nghĩa. “Buổi tối đầu tiên nhận được tin trở thành quân nhân tham gia BVDC 2.3, tôi hét lên hết cỡ vì quá hạnh phúc. Dù biết Nam Sudan là nơi khắc nghiệt, tôi vẫn muốn dấn thân để trải nghiệm và cống hiến. Đây là nhiệm vụ thiêng liêng và vinh dự, sao phải lo lắng?”, Lê Na chia sẻ.

Hạnh phúc của những bác sĩ mũ nồi xanh nơi xứ người ảnh 1

Bác sĩ mũ nồi xanh chụp ảnh cùng với trẻ em và người dân Mentiu.

(Nguồn ảnh: Báo Công an nhân dân).

Còn kỷ niệm khó quên với Thượng úy Hà Minh Tuấn, thành viên Đội Cấp cứu Đường không, thuộc đội hình BVDC cấp 2.3 là, khi con gái đầu lòng chào đời ở quê nhà thì anh đang trong chuyến chuyển thương đầu tiên ở Nam Sudan. Bao lần nghĩ về việc gặp con gái sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh đã chia sẻ rằng: “Ở nơi xa, tôi chỉ biết động viên vợ cố gắng và tự nhủ với lòng mình rằng, sau này hoàn thành nhiệm vụ trở về sẽ bù đắp cho vợ con khoảng thời gian mình vắng nhà. Tôi tin là con gái sau này sẽ tự hào nhiều hơn khi bố làm nhiệm vụ đặc biệt này”.

Đến nay đã là chặng đường gần 1 thập kỷ những người lính Việt Nam đi thực hiện sứ mệnh vẻ vang mà LHQ giao phó ở nơi cách đất mẹ 1/4 vòng trái đất có những khó khăn, gian khổ mà không có ngôn từ nào diễn tả hết được. Ở Bentiu, Nam Sudan trước đây, rau xanh trồng được ở mảnh đất này là chuyện kỳ tích, nhưng cùng với hành trang lên đường của các nhân viên y tế mũ nồi xanh Việt Nam là rất nhiều hạt giống. Những bác sĩ, nhân viên y tế chưa bao giờ cầm cuốc xẻng thì với nhiệt huyết của mình, sau giờ làm việc, họ đã dần dần phủ xanh căn cứ nơi BVDC đóng quân.

Bước ra tiền tuyến với tinh thần “Tiếng gọi Tổ quốc là đi lên đường”, từng chiến sĩ mũ nồi xanh đều là một trong những mảnh ghép làm nên thành công của các BVDC Việt Nam tại Nam Sudan, đồng thời họ cũng là những sứ giả để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân Nam Sudan và bạn bè quốc tế.

Ngoài các hoạt động khám chữa bệnh, các BVDC của Việt Nam ở Nam Sudan còn thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động quân dân kết hợp hỗ trợ người dân địa phương để góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp về tình yêu thương, chia sẻ đầy tính nhân văn của người lính mũ nồi xanh, lan toả hình ảnh tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Đơn cử, ngày 8/3 vừa qua, BVDC cấp 2.4 đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho phụ nữ Nam Sudan như: cắt tóc, trang điểm, làm đẹp cho chị em phụ nữ địa phương, tổ chức cho chị em chơi các trò chơi,… tạo thành bầu không khí đoàn kết, thân thiện và hiểu nhau hơn. Theo Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga – Phó Giám đốc Quân sự BVDC cấp 2.4, bằng những việc làm nhỏ bé, giản dị, các bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan mong muốn giúp những phụ nữ ở Nam Sudan vốn chịu nhiều thiệt thòi cũng có một ngày 8/3 ý nghĩa như những phụ nữ bình thường khác, qua đó bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông với chị em phụ nữ địa phương, góp phần nâng cao nhận thức của người dân nơi đây về vai trò và vị trí của phụ nữ trong xã hội.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here