Chàng trai trẻ bôn ba nhiều nước, về quê bắt vùng đất hoang hóa “đẻ” tiền

0
75
Chàng trai trẻ bôn ba nhiều nước, về quê bắt vùng đất hoang hóa “đẻ” tiền

Trang trại Đồi Chồi, ở xóm 12, xã Thịnh Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) thời gian gần đây thu hút cộng đồng mạng bởi hình ảnh những luống cà chua bi, dâu tây chín mọng rất đẹp mắt. Được biết, đây là vụ thu hoạch đầu tiên của trang trại sau hơn một năm được đầu tư xây dựng với tổng số vốn gần 10 tỷ đồng.

Chàng trai trẻ bôn ba nhiều nước, về quê bắt vùng đất hoang hóa đẻ tiền - 1

Vườn dâu tây kết hợp trồng cà chua bi của anh Tuấn từ khu vực hoang hóa trước đây.

Nhìn những giàn cà chua bi, luống dâu tây chín mọng, đỏ rực, căng tròn tại trang trại Đồi Chồi, chẳng ai nghĩ nơi đây từng là vùng đất khô cằn, sỏi đá, thường xuyên bị ngập, bị bỏ hoang rất nhiều năm trước. 

Chủ trang trại là anh Nguyễn Văn Tuấn (39 tuổi, trú tại xã Thịnh Sơn). Sau hàng chục năm đi xuất khẩu lao động, bôn ba ở nhiều nước nhưng anh Tuấn vẫn luôn trăn trở về giấc mơ làm giàu ngay trên mảnh đất mà mình sinh ra.

Chàng trai trẻ bôn ba nhiều nước, về quê bắt vùng đất hoang hóa đẻ tiền - 2

Trong một thời gian ngắn, vườn dâu tây của anh Tuấn đã cho kết quả khả quan.

Tích góp được ít vốn liếng, anh trở về quê hương, tìm hiểu, tham quan mô hình kinh tế, học hỏi về kỹ thuật trồng các loại cây cho năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu tại địa phương.

Được sự hỗ trợ, tư vấn từ cán bộ kỹ thuật, địa phương ưu tiên cho thuê đất, anh Tuấn quyết định đầu tư, xây dựng mô hình trang trại trồng cà chua bi, dâu tây… trên diện tích khoảng 10ha.

Chàng trai trẻ bôn ba nhiều nước, về quê bắt vùng đất hoang hóa đẻ tiền - 3

Đến nay những quả dâu tây chín mọng trên mảnh đất khô cằn sỏi đá.

Tháng 3/2022, anh Tuấn bắt tay vào cải tạo đất, dựng nhà màng, hệ thống tưới hiện đại nhằm hạn chế những tác động của thời tiết, để cây trồng phát triển ổn định. Loại cây đầu tiên được anh Tuấn lựa chọn để trồng đó là giống dưa lưới. Để đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt, anh thuê 2 kỹ sư nông nghiệp về tư vấn kỹ thuật, giúp công nhân chăm sóc.

“Lần khởi nghiệp này gặp một trận lụt lớn khiến đa phần diện tích dưa lưới bị ngập nặng, chết hết. Trang trại thiệt hại gần 500 triệu đồng. Nước rút, tôi tiếp tục cải tạo đất, đưa những giống cây mới vào trồng. Tôi tin với khoa học kỹ thuật, đất có khó, thời tiết dù khắc nghiệt đến đâu mình cũng có thể khắc phục. Cây trồng được đảm bảo đủ điều kiện để phát triển tốt sẽ mang về những quả ngọt”, anh Tuấn chia sẻ.

Chàng trai trẻ bôn ba nhiều nước, về quê bắt vùng đất hoang hóa đẻ tiền - 4

Được trồng hoàn toàn hữu cơ nên những quả dâu tây, cà chua bi đều ăn được ngay tại vườn.

Tháng 10/2022, anh Tuấn bắt đầu nhập khẩu giống cà chua bi từ Mỹ, giống dâu tây từ Mộc Châu (Sơn La) về trồng thử nghiệm trên tổng diện tích khoảng 1ha.

“Đây đều là những loại cây vốn “khó tính”. Đặc biệt, với thời tiết ở Nghệ An khi nắng thì “sém da, cháy thịt, mưa thì thối đất”… nên việc đưa vào trồng loại cây cà chua bi từ Mỹ về gặp quá nhiều vất vả, khó khăn. Cũng vì thế, mà thời gian đầu đưa vào trồng thử nghiệm, gần một nửa số cây giống bị chết. Nhờ chăm sóc tốt, số lượng cây dâu tây, cà chua bi còn lại phát triển rất nhanh”, anh Tuấn nói.

Chàng trai trẻ bôn ba nhiều nước, về quê bắt vùng đất hoang hóa đẻ tiền - 5

Giống cà chua bi được đưa từ Mỹ về trên mảnh đất khô cằn sỏi đá ở xã Thịnh Sơn, Đô Lương.

Chàng trai trẻ bôn ba nhiều nước, về quê bắt vùng đất hoang hóa đẻ tiền - 6

Cà chua bi đã phát triển tốt và cho quả quá tuyệt vời.

Từ Tết Nguyên đán 2023, cà chua bi và dâu tây đã bắt đầu cho quả. Hiện tại những giàn cà chua đã trĩu quả, chín đều, dâu tây cũng đã cho thu hoạch.

Được trồng hoàn toàn hữu cơ nên các sản phẩm của trang trại đều đạt tiêu chuẩn hữu cơ – Organic. Trung bình mỗi gốc cà chua bi cho thu hoạch 3-4kg và thu hoạch kéo dài trong 3 tháng.

Hiện tại, trang trại đang bán ra thị trường với giá 60.000-70.000 đồng/kg, tùy vào chất lượng quả.

Chàng trai trẻ bôn ba nhiều nước, về quê bắt vùng đất hoang hóa đẻ tiền - 7

Cà chua bi được bán với giá 60.000-70.000 đồng/kg.

Dâu tây cũng được bán với giá 180.000-200.000 đồng/kg. Những sản phẩm của trang trại được thị trường đón nhận, trái chín đến đâu bán sạch đến đó.

“Thời tiết ở Nghệ An rất khắc nghiệt nên quả dâu tây không to như trồng ở những nơi khác nhưng bù lại rất ngọt. Vào những ngày cuối tuần, khách đến mua rất đông”, chị Trần Thị Thái (35 tuổi, trú tại xã Thịnh Sơn) đang thu hoạch dâu tây tại trang trại Đồi Chồi, chia sẻ.

Hiện anh Tuấn đang triển khai cải tạo phần lớn diện tích đất còn lại để đưa những loại cây trồng chủ lực như nho hạ đen, nho mẫu đơn, dưa lưới vào trồng.

“Thị trường tiêu thụ cây nho, dưa lưới là rất lớn. Sản phẩm của mình an toàn, chất lượng, sạch chắc chắn sẽ được đón nhận. Nếu ứng dụng khoa học vào để khắc chế những điều kiện thời tiết bất lợi, cây nho có thể phát triển tốt và mang lại năng suất cao”, anh Tuấn chia sẻ thêm.

Chàng trai trẻ bôn ba nhiều nước, về quê bắt vùng đất hoang hóa đẻ tiền - 8

Du khách đến thưởng thức dâu tây và chụp hình tại trang trại của anh Tuấn.

Ngoài việc bán sản phẩm, anh Tuấn còn tận dụng lợi thế vị trí địa lý của trang trại cách quốc lộ 7A hơn 1km, đường vào thông thoáng nên mở cửa đón khách đến tham quan, kết hợp du lịch cộng đồng, trải nghiệm.

Thành quả đạt được sau nhiều cố gắng tạo thêm động lực để anh Tuấn quyết tâm biến vùng đất khó thành nơi “đẻ” ra tiền, hiện thực hóa giấc mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here