Lao động tại 8 huyện, thành phố tiếp tục bị “cấm cửa” sang Hàn Quốc

0
88
Lao động tại 8 huyện, thành phố tiếp tục bị “cấm cửa” sang Hàn Quốc

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), các địa phương bị tạm dừng bao gồm: huyện Nghi Xuân, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh); thành phố Chí Linh (tỉn Hải Dương); thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An); huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa)

Cơ quan này cho biết, việc tạm dừng tuyển chọn lao động tại một số địa phương nêu trên căn cứ theo Bản ghi nhớ về Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) với Hàn Quốc và mục tiêu, lộ trình giảm lao động cư trú bất hợp pháp giai đoạn 2020-2022.

Theo đó, việc tạm dừng tuyển lao động áp dụng với các quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.

Lao động tại 8 huyện, thành phố tiếp tục bị cấm cửa sang Hàn Quốc - 1

Vẫn còn 8 huyện, thành phố bị tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc Hàn Quốc bởi tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi hết hạn hợp đồng.

Việc tạm dừng tuyển chọn lao động không áp dụng đối với người lao động đăng ký dự tuyển ngành ngư nghiệp, người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS về nước đúng thời hạn và người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã tự nguyện về nước trong khoảng thời gian phía Hàn Quốc thực hiện miễn xử phạt.

Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng thời hạn hợp đồng và lao động đang cư trú bất hợp pháp về nước.

Việc áp dụng biện pháp tạm dừng tuyển chọn tại các địa phương sẽ căn cứ vào tỷ lệ và số lượng lao động của các địa phương cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Liên quan đến tình trạng cư trú bất hợp pháp/lao động bỏ ra ngoài khi chưa hết hạn hợp đồng hoặc hết hạn không về nước tại Hàn Quốc, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, những người lao động phá bỏ hợp đồng rồi cư trú bất hợp pháp đa phần vì lợi ích cá nhân. Sự ích kỷ của họ không chỉ làm ảnh hưởng đến hợp tác chung của giữa Việt Nam – Hàn Quốc mà còn gây hậu quả cho những người lao động khác tại địa phương.

Người lao động cư trú bất hợp pháp khi gặp phải những vấn đề phát sinh như khi bị người sử dụng lao động đối xử không tốt hoặc không được trả lương thì họ sẽ không được cơ quan nào can thiệp, đồng nghĩa với việc họ tự phải gánh chịu hậu quả.

Hiện nay, cơ quan chức năng luôn nhắc nhở các địa phương tiếp tục tăng cường các giải pháp vận động tuyên truyền để đảm bảo được con em ở địa phương không cư trú ở lại nước ngoài trái pháp luật hoặc phải về nước đúng thời hạn để đảm bảo không chỉ cho bản thân của người lao động và các lao động khác ở địa phương, mà còn cho hợp tác của giữa Việt Nam với Hàn Quốc được tiếp tục ổn định, phát triển trong thời gian tới.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here